Tác giả Trần Thị Hoa người Huế, hiện sống ở Hà Nội.

Nghề nghiệp của Tác giả là chuyên gia/cố vấn các chương trình đào tạo y khoa/sản nhi và quản lý bệnh viện, viết sách, giảng dạy, chấm luận án và khám chữa bệnh cho những trường hợp bệnh đặc biệt.

Tác giả cũng đang góp phần phát triển Dự án khu liên hợp bệnh viện CHI tại Hà Nội, đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng. Thông tin về dự án trong website này: https://benhvienchi.edu.vn

Nêu thắc mắc và góp ý về bộ sách cho tác giả qua bacsyhoatran@gmail.com, để đặt câu hỏi mời vào https://suckhoebametreem.edu.vn. Nhận dạng tác giả qua http://www.facebook.com/hoatutin


Những nơi đã từng làm việc và cộng tác:

  • Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, Viện Nhi Thụy Điển (Bệnh viện Nhi Trung ương), Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Thanh Nhàn, Đại học Y tế Công cộng, Viện Dinh Dưỡng.
  • WHO, UNICEF, UNFPA, UNDP, AusAID and Child Fund, WPF, Care Int... với vai trò là chuyên gia nghiên cứu và điều hành các chương trình đào tạo về sức khỏe trẻ em và sức khỏe sinh sản.

Học vấn:

  • Bác sĩ đa khoa tại Đại học Y khoa Huế (1982) 2 năm cuối học chuyên ngành Nhi khoa.
  • Tiến sĩ Khoa học Y Dược tại Đại học Y Hà Nội (1990) làm luận án về "Điều trị suy dinh dưỡng trẻ em".
  • Sau đại học bảo vệ đề tài "Phương pháp giáo dục y khoa và quản lý y tế" tại School of Medicine, Tulane University (Mỹ), 1996 - 1997.
  • Tu nghiệp Nội Nhi tại Johns Hopkins Hospital và Boston Children Hospital (Mỹ), 2009 và 2014.
  • Thạc sĩ Quản lý Bệnh viện quốc tế tại Nations HealthCareer School of Management gGmbH nonprofit (Đức), 2005 - 2007.
  • Bên cạnh học chính khóa, Bà cũng từng đến các bệnh viện - trường Y hàng đầu của Mỹ (Brigham for Women’s Health, Masachusette General Hopital, Mayo Clinic và Cleveland Clinic), của Đức (Campus Heidelberg University Hospital, Charité Berlin Hospital và Unfallkrankenhaus Berlin) và một số các bệnh viện ở Pháp, Áo, Thụy Điển, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc; đồng thời, nghiên cứu mô hình chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em tại Ấn Độ, Malaysia và Campuchia.

Công trình và những giải thưởng khoa học:

  1. Công trình:
    Sách đã xuất bản

    Tác giả:

    • Chăm sóc em bé trước sinh, do Nhà XB Y Học ấn hành tháng 01/2020 và tiếp đến là Nhà XB Thuận Hóa ấn hành tháng 06/2020
    • Giúp trẻ em phát triển tối ưu, do Nhà XB Y Học ấn hành tháng 01/2020 và tiếp đến là Nhà XB Thuận Hóa ấn hành tháng 06/2020
    • Phát hiện trẻ bệnh và chăm sóc phù hợp, do Nhà XB Y Học ấn hành tháng 01/2020 và tiếp đến là Nhà XB Thuận Hóa ấn hành tháng 06/2020

    Chủ biên và đồng tác giả:

    • Trần Minh Điển, Trần Thị Hoa: Phân loại Cấp cứu Nhi Khoa, Đánh giá và Điều trị, Chăm sóc trẻ bệnh nặng, Nhà XB Y học, 03/2020
    • Trần Thị Hoa, Thành Xuân Nghiêm, Phan Thục Anh: Giáo dục và Nâng cao Sức khỏe, Nhà XB Y Học, 1998

    Nghiên cứu khoa học: 11 công trình về lĩnh vực sức khỏe trẻ em và sức khỏe sinh sản.

    Từ năm 2012 đến hiện tại: Bà không ngừng chia sẻ với các giảng viên và bác sĩ trẻ, các em sinh viên ngành y dược trong cả nước về kiến thức về các môn y khoa cơ bản, phương pháp học lý thuyết và lâm sàng, những tố chất là một giảng viên, nghiên cứu viên, thầy thuốc và tầm nhìn cũng như những kiến thức và kinh nghiệm trong ngành nghề Y /Chăm sóc sức khỏe.

    Kèm theo đây là đôi dòng tâm sự về tình yêu của bà đối với trẻ em thể hiện qua ý chí học hành và làm việc: "Nếu được hỏi điều gì làm tôi hạnh phúc nhất trong cuộc đời, tôi sẽ trả lời ngay là được học và được làm những việc xuất phát từ tình yêu chân chính. Tự đánh giá mình, tôi thuộc nhóm ham muốn học hỏi và say mê làm việc và thuộc type người "lãng mạn khoa học", nghĩa là trong huyết quản tôi luôn sục sôi một tình yêu mãnh liệt với nhi khoa/sức khỏe trẻ em đến nỗi nó thôi thúc tôi nỗ lực học để vào được chuyên ngành nhi (thời đó tại Đại học Y khoa Huế đề ra tiêu chuẩn học viên muốn đi theo chuyên ngành Nội hoặc Nhi thì phải đạt các điểm chuyên môn trung bình từ 8 điểm trở lên, là mức cao nhất so với các chuyên khoa còn lại). Không dừng ở đây, sau khi làm việc được hai năm với vị trí là trợ lý cho GS. Từ Giấy, tuy ở bên Ông tôi học được nhiều điều hay nhưng tình yêu Nhi khoa của tôi vẫn không phai nhòa. Vì thế, tôi đã xin nghỉ việc để lao vào thi chương trình học tiến sĩ 1 chọi 3 thật là gian khổ chỉ vì tôi muốn trở lại với nhi khoa - lĩnh vực khoa học đã được nung nấu trong tâm trí tôi và kết quả đã không phụ lòng tôi. May mắn thay, trong giai đoạn này tôi gặp được những người thầy, không chỉ là những giáo sư thực thụ mà còn là con người trí thức chính hiệu (GS. Từ Giấy, GS. Lê Thành Uyên, GS. Lê Nam Trà, GS. Trần Quỵ...). Những năm sau đó, tôi đã có cơ hội được mời làm việc cho các tổ chức như WHO, UNICEF, UNFPA, WPF, AusAID... với vai trò chuyên gia. Những nơi này đã đem đến cho tôi cơ hội tuyệt vời là học thông qua làm việc với các chuyên gia hàng đầu trên thế giới, giúp tôi mở rộng kiến thức kinh tế xã hội và tầm nhìn tân tiến lại được học thêm một vùng khoa học sức khỏe sinh sản/bà mẹ trẻ em, mà chung quy cũng nhằm tạo ra những thế hệ trẻ em tương lai khỏe mạnh và phát triển toàn diện. Cũng nhờ làm việc cho UNICEF tôi tìm được học bổng tại Mỹ càng giúp tôi giàu có về tri thức và kích thích tham vọng học hỏi mà vốn đã sẵn trong huyết quản của tôi. Từ đó trong tôi đổi mới thêm nhiều điều cả tầm nhìn lẫn kiến thức tiến bộ và càng tránh xa danh lợi mà vốn đã không màng tới. Cơ hội đến với tôi ở tuổi còn rất trẻ là Viện phó và Phó Giáo sư để từ đó tiến xa hơn nhưng tôi đã bỏ qua. Chung quy là tại tôi không thích đồng thau lẫn lộn trong khi đất nước mình ở thời của tôi đã thế và nay thì thì thau càng nở rộ mà đồng thì càng hiếm hoi".

    Bà cũng bộc bạch rằng: "việc học đối với tôi chưa bao giờ có điểm dừng. Tôi luôn nỗ lực giúp các sinh viên/bác sĩ trẻ mở mang tầm nhìn về ngành nghề, chia sẻ kiến thức và học tập có phương pháp để trở thành những thầy thuốc, nhà giáo hay nhà khoa học mẫu mực thì người dân sẽ được nhờ. Hơn nữa, công việc viết sách để phổ cập kiến thức chăm sóc sức khỏe trẻ em và sức khỏe sinh sản cho học sinh sinh viên, nhân viên y tế và người dân lấy phòng bệnh làm đầu, là những việc mà tôi không bao giờ cảm thấy cạn năng lượng".

  2. Giải thưởng (trong những năm 2003 – 2011):

    Đề án dự thi với nhan đề: Xây dựng mô hình tự học qua sử dụng công nghệ thông tin” đã được giải nhất do Tập đoàn Samsung khu vực ASEAN trao tặng trị giá 43.000 USD. Bà đã dùng số tiền này trang bị 2 phòng máy vi tính cho 1.700 sinh viên của Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, giúp các em được tiếp cận sớm với khoa học công nghệ, kịp thời cập nhật những kiến thức mới nhất trong lĩnh vực mà các em đang theo đuổi.

    • Đề án: “Vận động xã hội hóa trong chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em, được Ngân hàng Thế giới (WB) trao giải trị giá 4.000 USD. Bà dùng số tiền này đào tạo nhân viên y tế của tỉnh Vĩnh Long.
    • Đề án: “Nâng cao sức khỏe cho phụ nữ dân tộc thiểu số” được Hội Phụ nữ Mỹ trao 7.000 USD. Số tiền này bà đã triển khai đào tạo kỹ năng chăm sóc bà mẹ trẻ em cho nhân viên y tế của tỉnh Đắk Lắk.

    Thay mặt Công ty Cổ phần Y tế CHI tặng cho Đại học Y Dược Thái nguyên nhiều trang thiết bị y tế cho các Khoa Hóa sinh và Huyết học để giảng dạy cho sinh viên

Trao tặng sách (tháng 06 - 11/2020)

  • Tặng cho 13 Đại học Y Dược trong cả nước, mỗi Thư viện 02 bộ sách của tác giả gồm 6 quyển và 1 quyển Nhi khoa đồng tác giả biên dịch nhằm giúp các Giảng viên/BS trẻ và các em SV mở mang thêm kiến thức về lĩnh vực Sản Nhi thiết yếu (Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em).
  • Phát phần thưởng cho Bác Sĩ / Nhân viên Y tế của Trung tâm Y tế-Bệnh viện Na Rì của tỉnh Bắc Kan 25 bộ sách chia làm 28 phần thưởng thông qua bài tập lượng giá trình độ kiến thức Chăm sóc Sức khỏe Sinh sản và Trẻ em để khám chữa bệnh cho bà mẹ và trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số được tốt hơn.

Cập nhật tháng 11 năm 2020