Thư gửi Độc giả
Tương lai của một quốc gia tùy thuộc vào trẻ em hôm nay! Đối với gia đình, trẻ em là niềm vui và cũng là động lực giúp các cặp vợ chồng xây dựng tổ ấm hạnh phúc.
Trẻ em không phải người lớn thu nhỏ! Con người được cho là trẻ em trải qua nhiều thời kỳ, xuất phát điểm từ phôi thai tới trưởng thành (18-21 năm tùy quy định của mỗi quốc gia). Để giúp chúng có thể chất cân đối, trí tuệ vượt trội và tâm hồn đôn hậu đòi hỏi việc nuôi dưỡng và dạy dỗ cùng tình yêu thương độ lượng của cha mẹ cũng như những người làm giáo dục và chăm sóc sức khỏe trẻ em. Nếu không đáp ứng đúng mực những đòi hỏi thiết yếu mà trẻ em cần phù hợp với từng thời kỳ, sẽ xuất hiện khuyết tật, chậm phát triển, bệnh nhiễm trùng hoặc bệnh không lây. Trẻ em của những bà mẹ trong thời kỳ mang thai hoặc tại lúc sinh đã không bình thường hoặc sau khi sinh, nhất là giai đoạn từ thai nhi trong tử cung mẹ tới 5 tuổi mà cần bệnh viện nhiều đợt thì khi lớn lên khó có thể sánh được với bạn bè cùng trang lứa về mọi phương diện.
Là bác sĩ đồng thời cũng là một bà mẹ, dưới đây tôi xin có đôi lời bày tỏ cùng độc giả về động cơ khiến tôi viết bộ sách CHĂM SÓC SỨC KHỎE TRẺ EM TOÀN DIỆN gồm 3 quyển (Quyển 1: Chăm sóc em bé trước sinh, Quyển 2: Giúp trẻ em phát triển tối ưu và Quyển 3: Phát hiện trẻ bệnh và chăm sóc phù hợp).
Theo Báo cáo gần đây của Bộ Y tế "tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em vẫn còn ở mức cao và giảm chậm, nhất là các khu vực miền núi, vùng cao. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thể thấp còi vẫn chưa được cải thiện đáng kể, trong khi tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em ngày càng gia tăng tại các khu vực thành thị; không hoàn thành được mục tiêu giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi, trong đó tử vong sơ sinh vẫn đứng hàng đầu. Các can thiệp đơn giản, ít tốn kém, nhưng thiết yếu và đem lại hiệu quả cao như nuôi con bằng sữa mẹ, chăm sóc sơ sinh sớm vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Mục tiêu phổ cập tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, can thiệp sức khỏe bà mẹ trẻ em cho mọi người dân rất khó hoàn thành. Chất lượng khám thai còn hạn chế, chỉ có 56,2% phụ nữ có thai được tiếp nhận cả ba dịch vụ đo huyết áp, thử máu, thử nước tiểu".
Trải qua nghiên cứu, điều hành các chương trình đào tạo và can thiệp sức khỏe bà mẹ trẻ em/sản nhi tại nhiều địa phương, bệnh viện và trung tâm y tế đại diện các vùng miền, một số cơ sở nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật và nhiều hộ gia đình, trong tôi có hai bức tranh sức khỏe ở nam nữ tuổi sinh sản, phụ nữ mang thai và trẻ em mà lấy năm 2000 làm mốc thì thời kỳ sau khác với trước khá nhiều, nghĩa là xuất hiện nhiều bệnh tật mà tôi mạn phép đặt tên là "căn bệnh thời đại mới". Các bệnh lây truyền tình dục (STDs), viêm gan B, rối loạn tinh thần và suy nhược thể chất, những bất thường hoặc biến chứng sản khoa và trong lúc sinh; trẻ em sinh non và bị khuyết tật bẩm sinh, cơ địa dị ứng, rối loạn chuyển hóa/nội tiết (béo phì, dậy thì trước tuổi...), rối loạn tâm trí (tự kỷ, tăng động, chậm phát triển) là khá phổ biến. Những căn bệnh khác như: trẻ em sinh ra khỏe mạnh nhưng về sau xuất hiện nhiễm trùng hô hấp hoặc hen suyễn, tiêu chảy mạn, kháng kháng sinh cũng thường gặp, đã ảnh hưởng dai dẳng tới thể chất lẫn tinh thần của trẻ thơ và không thể tưởng tượng trẻ em được nuôi bằng sữa mẹ cũng mắc nhiều bệnh! Đã có số liệu thống kê về tỷ lệ các bệnh này nhưng hơi rời rạc, chưa mang tính đại diện và cập nhật. Một phần vì cuộc sống khó khăn, nhưng cái chính là do mọi người chưa được tiếp cận với những kiến thức phòng bệnh đúng đắn hoặc chưa quan tâm tới sức khỏe hoặc có thể do khám chữa bệnh chưa đúng. Con người có thể làm cho mình và những người thân khỏe mạnh nhưng cũng chính con người tự hủy hoại sức khỏe của mình hoặc của người thân. Cha mẹ có thể sinh ra những đứa con xinh tươi không tì vết, nhưng cũng chính cha mẹ làm cho con cái ra đời bị tật nguyền/mang bệnh tiềm ẩn hoặc trở nên ốm yếu và nhiễm trùng.
Đa phần bệnh tật nêu trên không dễ chữa. Vì vậy, nhiều gia đình trở nên tang thương hoặc nghèo túng. Những tình cảnh đau xót tột cùng đã đập vào mắt và truyền vào tai của tôi không kể xiết, thương cảm nhất là những người vợ trẻ đột ngột lìa xa chồng vĩnh viễn do sinh nở, mà năm 2012 như là dịch bệnh rải rác khắp nước; nhiều phụ nữ miền núi mắc biến chứng thai sản nguy kịch được đưa về nhà từ bệnh viện huyện vì người chồng thốt lên rằng chết thì thôi, không có tiền chuyển bệnh viện tuyến trên hoặc tử vong trong khi được chuyển lên tuyến trên; những tiếng than não nuột từ cha mẹ công nhân/nông dân của các con thơ mắc bệnh bẩm sinh không đủ tiền chi trả khoản phí vượt mức bảo hiểm, chính tôi cũng đã từng dắt hai người bố và mẹ vào gặp Phó Giám đốc Trần Minh Điển, đồng nghiệp chí thân của tôi để xin miễn viện phí dịch vụ can thiệp tim bẩm sinh!!! Trái lại, những bệnh viện sản, nhi và đa khoa của các nước phát triển mà tôi đã tới tham quan học hỏi (Đức, Pháp, Anh, Thụy Điển, Nhật Bản) không thấy tình trạng quá tải và cũng rất trống vắng bệnh nhân là sản phụ và trẻ em, kể cả người lớn cũng vậy. Xem qua số liệu thống kê sức khỏe của WHO về các nước thuộc Tây và Bắc Âu cũng như Nhật Bản có tỷ lệ bệnh tật và tử vong là thấp nhất và tuổi thọ cao nhất thế giới là nhờ hệ thống giáo dục phổ thông và y tế quốc gia tuyên truyền kèm với hướng dẫn toàn dân biết cách phòng bệnh. Dân chúng khỏe mạnh và an vui đã góp phần làm cho những nước này giàu có và văn minh. Riêng nước Mỹ, giàu nhất thế giới nhưng đã sinh ra "căn bệnh thời đại mới" như tôi kể trên. Nguyên nhân là phát triển thị trường tự do ồ ạt và dân chúng sinh sống tự do.
Những vấn đề sức khỏe và tình cảnh mà tôi nêu trên đã thúc giục tôi viết bộ sách này. Thực ra, sau khi tốt nghiệp bác sĩ vài năm, nhờ va chạm thực tế đã gợi lại trong tôi những cảnh tượng bệnh tật ở trẻ em thời tôi học chuyên Nhi tại Bệnh viện Trung ương Huế và nhận ra rằng viết sách cũng góp phần giảm bệnh tật một cách hiệu quả. Thế là tôi đã thảo bằng tay vài chục trang A4 gấp đôi. Nhưng nghĩ lại để có một cuốn sách thực hành chăm sóc trẻ em giá trị đích thực, người viết cần tích lũy kiến thức sâu rộng và giàu kinh nghiệm, đồng thời phải đủ trình độ để phân tích đúng sai. Vì thế, "công trình" này tạm thời được tôi xếp vào một góc trong tâm trí rồi lao vào làm việc, sinh đẻ và nuôi dạy con cái nhưng vẫn tiếp tục học chính quy và học thông qua làm "learning by doing". Đến khi cuộc sống của tôi ổn định và năng lực đạt được những tiêu chuẩn tôi tự đề ra thì đã ngót nghét ba thập niên. So với đời người, ngần ấy thời gian là dài nhưng với khoa học thì vô cùng nếu con người ham muốn làm giàu kiến thức và được nhiều trải nghiệm. Đã thành quy luật, tri thức càng dồi dào và chín chắn sẽ càng tạo ra được sản phẩm có giá trị và độc đáo hơn.
Về nội dung bộ sách cũng như lối viết của tôi: như các bạn đã biết, giá trị của một sản phẩm nào đó, phần lớn là phản ánh quan điểm và tính cách của cá nhân làm ra nó. Vậy cho nên mớ kiến thức mà tôi trao gửi trong 3 quyển sách của mình có lẽ sẽ khiến không ít độc giả ngạc nhiên và có thể sẽ chê cổ lỗ sĩ, bởi vì có nhiều điểm không giống ai, trong khi tân dược nhiều vô kể, thiết bị y tế ngày càng tối tân và sách cũng như tạp chí y khoa liên tục cập nhật. Chẳng cần đợi tới khi sách ra, vừa qua trong quá trình chỉnh sửa, có mấy bác sĩ trẻ đọc bản thảo của tôi đã cảm thấy lạ lẫm, bởi vì không giống với những sách mà các em ấy đã học/đọc. Tôi liền giải thích rằng sách của cô mà không có gì khác biệt thì cô viết làm gì. Với cô, bất kể hiện đại hay kinh điển miễn là tốt, lợi ích thiết thực cho con người là cô học hỏi, áp dụng. Tôi nhấn mạnh những điều làm các em lạ lẫm hoặc cho rằng cũ kỹ ấy cần được khôi phục và đưa vào sách, là nguồn tri thức tiến bộ và nhân văn vì lợi ích của nhân loại mà đã được các bậc thầy hàng đầu thế giới và trong nước đúc kết mà cho thấy phù hợp mọi thời đại (tên tuổi của họ đã được ghi trong Lời cảm ơn): Bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều phải đặt tính mạng của con người lên trên hết. Lấy phòng bệnh làm đầu, khi đứng trước một bệnh nhân, mọi bác sĩ buộc phải xem xét cụ thể tình trạng bệnh tật cũng như điều kiện sống của họ để lựa chọn cách thức khám chữa bằng y khoa hiện đại (YKHĐ) hay y khoa truyền thống (YKTT) hoặc kết hợp cả hai, miễn là dễ thực hiện, ít tốn kém mà có hiệu quả và an toàn cho bệnh nhân. Hầu hết bệnh thông thường ở trẻ em và những bất thường ở nữ mang thai là không cần tới thiết bị y tế công nghệ cao cũng như tân dược hoặc kháng sinh. Người Việt cũng nên hiểu và tự hào nước Việt ta có bề dày YKTT ngàn năm, đã sinh ra những danh y dân tộc lỗi lạc ở giai đoạn nhà Nguyễn, nổi bật trong số ấy là Hải Thượng Lãn Ông. Ở tầm thế giới thì có Hippocrates, vị thầy thuốc vĩ đại nhất trong lịch sử thời Hy Lạp cổ đại cũng đã cùng với các học trò của mình khám chữa bệnh bằng YKTT, được cả thế giới tôn vinh là cha đẻ của YKHĐ. Ngày nay, phần nhiều dân chúng ở các nước phát triển rất muốn chữa bệnh bằng YKTT, bởi họ hiểu rất rõ mặt trái của YKHĐ nên rất e dè với tân dược, can thiệp y khoa hoặc phẫu thuật.
Tác giả thiết tha mong quý độc giả tìm đọc tất cả những nội dung quan trọng mang tính ứng dụng chung cho cả 3 quyển sách thường đặt trong hộp với cỡ chữ nhỏ hơn hoặc in nghiêng; khi định đọc sách trước hết lật các trang của Mục lục tìm xem chủ đề nào cần đọc trước hoặc trùng với ý định của mình muốn biết sẽ hiệu quả hơn; đọc chủ đề nào thì nên cố gắng đọc trọn vẹn và hiểu thấu đáo. Lúc đầu, tôi định gộp tất cả nội dung thành một quyển, nhưng sau nhiều lần suy ngẫm nhận thấy nên tách thành ba quyển là hợp lý hơn bởi vì có 3 phần tương đối độc lập. Tuy nhiên, trong mỗi quyển có một hoặc vài chủ đề hoặc cả chương liên quan với các chủ đề hoặc chương khác trong cùng quyển hoặc khác quyển nên tác giả đã đề nghị "đọc thêm ở đề mục… chương... quyển…". Vậy trong khi đọc một đề mục nào đó nếu độc giả thấy có đề nghị này thì nên tìm tới địa chỉ ấy để đọc thêm cho đủ nghĩa. Ngoài ra, tác giả khuyến khích độc giả không nhất thiết máy móc làm theo sách tất cả những gì đã đọc, mà hãy liên tưởng thực tế, tìm phương pháp/cách thức đã biết hay nghĩ ra sáng kiến mới, miễn là có cơ sở khoa học đúng đắn, đem lại tác dụng tương đương và không xâm hại sức khỏe của bà mẹ và trẻ em.
Nhiều bạn bè đồng nghiệp và sinh viên mặc định tôi là kẻ cầu toàn, rất nghiêm khắc trong học tập và làm việc, luôn đòi hỏi chất lượng và hiệu quả. Quả thực những lời nhận xét này không oan chút nào. Tiếc rằng năng lực của tôi có hạn và vốn kiến thức mà tôi góp nhặt được quá lắm chỉ bằng một hạt cát trong đại dương tri thức của nhân loại bao la. Vì vậy, nội dung bộ sách xuất bản lần này, mặc dù đã chỉnh sửa và bổ sung nhưng chắc chắn vẫn còn những thiếu sót. Tác giả xin nhiệt liệt đón nhận và cảm ơn những góp ý thẳng thắn, mang tính xây dựng của quý độc giả nhằm chỉnh sửa bổ sung để lần tái bản sau sẽ được hoàn thiện hơn. Ngoài ra, độc giả có gì thắc mắc trong khi đọc 3 quyển sách, tác giả sẵn sàng giải đáp qua email: bacsyhoatran@gmail.com hoặc vào mục "Đặt câu hỏi" với tác giả tại website: https://suckhoebametreem.edu.vn. Trong "Vài nét về tác giả" được đặt ở cuối sách sẽ phần nào giúp các bạn hiểu tình yêu của tôi dành cho trẻ em nhường nào.
Độc giả tình cờ đọc được bộ sách của tôi, hi vọng với những hiểu biết hạn hẹp của mình, tôi cùng các bạn có thể góp phần vào việc giảm quá tải cho các bệnh viện sản - nhi và ở những nơi ấy sẽ ngày càng trống vắng sản phụ và trẻ em bệnh. Thay vào đó, những gia đình sẽ luôn đầy ắp tiếng cười của con trẻ, các nơi vui chơi công cộng lại reo vang những câu hò, điệu hát và hình ảnh các cháu thiếu nhi tung tăng chạy nhảy vui đùa… Hạnh phúc biết bao nhiêu!!! Và trên hết, trẻ em tương lai sẽ trở thành những công dân cường tráng, thông thái, biết làm cho cuộc sống của chính mình được hạnh phúc đồng thời góp phần xây dựng đất nước thịnh vượng, thế là tôi mãn nguyện!!!
Hà Nội, tháng 10 năm 2019
Bác sĩ Trần Thị Hoa