CORONAVIRUSES Ở NGƯỜI
CORONAVIRUSES Ở NGƯỜI
bao gồm cả 2019-nCoV, MERS-CoV và SARS-CoV (chủng mới của Coronavirus 2019, Coronavirus gây hội chứng hô hấp vùng Trung Đông và Coronavirus gây hội chứng hô hấp cấp nặng)
===========================
Bài viết được chia thành 2 phần chính:
I. Nhóm Coronaviruses.
1. Triệu chứng lâm sàng và chẩn đoán.
2. Lây truyền bệnh.
3. Phòng ngừa và điều trị.
II. Các chủng Coronaviruses nguy hiểm.
1. 2019-nCoV (2019 - novel Coronavirus).
2. MERS-CoV (Middle East Respiratory Syndrome - Coronavirus).
3. SARS-CoV (Severe Acute Respiratory Syndrome - Coronavirus).
Nội dung bài viết:
I. Nhóm Coronaviruses.
1. Triệu chứng lâm sàng và chẩn đoán.
Coronavirus thông thường và Coronavirus nguy hiểm.
Coronavirus thông thường bao gồm các chủng 229E, NL63, OC43 và HKU1 thường gây bệnh ở đường hô hấp trên mức độ nhẹ-trung bình, điển hình là cảm lạnh thông thường. Hầu hết trong chúng ta cũng đã từng bị nhiễm nhóm này tại thời điểm nào đó trong đời. Bệnh thường diễn biến trong thời gian ngắn với các triệu chứng:
- Chảy mũi,
- Đau đầu,
- Ho,
- Đau họng,
- Sốt,
- Cảm giác mệt mỏi khó chịu.
Đôi khi Coronavirus cũng gây viêm đường hô hấp dưới như viêm phổi hoặc viêm phế quản, thường trên những người có bệnh tim phổi, người suy giảm miễn dịch, trẻ sơ sinh và người già.
Nhóm Coronavirus nguy hiểm có thể gây các triệu chứng nặng bao gồm MERS-CoV, SARS-CoV và mới phát hiện gần đây tại Vũ Hán – Trung Quốc là 2019-nCoV. MERS-CoV thường gây các triệu chứng sốt, ho, khó thở và thường diễn tiến tới viêm phổi. Theo báo cáo tỷ lệ tử vong vào khoảng 3-4 trên mỗi 10 bệnh nhân được chẩn đoán MERS-CoV. Các ca nhiễm MERS-CoV vẫn tiếp tục xảy ra, chủ yếu là ở Arabian Peninsula. Các triệu chứng của SARS có sốt, lạnh, ngứa và cũng thường diễn tiến tới viêm phổi. Không có ca nhiễm SARS trên người nào được báo cáo kể từ năm 2004. 2019-nCoV là một loại Coronavirus mới phát hiện sẽ được trình bày trong phần II.1 dưới đây.
* Chẩn đoán.
Bác sĩ có thể chỉ định lấy máu và bệnh phẩm đường hô hấp của bạn để xét nghiệm Coronavirus, nhất là khi bạn có các triệu chứng nặng hoặc nghi ngờ mắc các loại Coronavirus nguy hiểm. Nếu mới đi du lịch hoặc tiếp xúc với động vật trong thời gian gần đây và xuất hiện những triệu chứng như trên, hãy báo ngay cho bác sĩ của bạn.
2. Lây truyền bệnh.
Coronavirus có thể lây từ người sang người:
o Qua đường không khí khi ho hoặc hắt hơi,
o Qua tiếp xúc trực tiếp như bắt tay hoặc đụng chạm
o Tiếp xúc với một đồ vật hoặc bề mặt có virus sau đó đưa lên miệng, mũi hoặc mắt mà chưa kịp rửa tay
o Đường phân-miệng (hiếm).
Tỷ lệ nhiễm Coronavirus thường cao vào mùa thu-đông. Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị nhiễm nhất. Tuy nhiên bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm Coronavirus, nhiều lần trong đời và vào bất cứ thời điểm nào trong năm.
3. Phòng Ngừa Và Điều Trị.
* Phòng ngừa cho bản thân.
Hiện tại vẫn chưa có vaccine cho Coronavirus, bạn có thể giảm nguy cơ nhiễm bằng cách:
o Rửa sạch tay đúng cách với xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây,
o Nếu chưa rửa tay tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng,
o Tránh tiếp xúc trực tiếp với người bị nhiễm virus.
* Phòng ngừa cho những người xung quanh.
Nếu xuất hiện các triệu chứng giống cảm lạnh bạn có thể hạn chế lây nhiễm cho những người xung quanh bằng cách:
o Ở nhà khi đang bị bệnh,
o Tránh tiếp xúc trực tiếp với người khác,
o Dùng khăn giấy che miệng và mũi khi ho hoặc hắt xì, sau đó bỏ khăn giấy vào thùng rác và rửa sạch tay,
o Làm sạch các đồ vật và bề mặt tiếp xúc.
* Điều trị.
Không có điều trị đặc hiệu cho Coronavirus. Hầu hết người bệnh nhiễm Coronavirus sẽ tự khỏi và ổn định. Một số phương pháp điều trị giúp giảm nhẹ các triệu chứng bao gồm:
o Sử dụng thuốc hạ sốt giảm đau,
o Uống nhiều nước,
o Nghỉ ngơi tại nhà.
Nếu còn lo lắng hay băn khoăn về các triệu chứng của mình, bạn nên đi khám bác sĩ.
II. Các chủng Coronavirus nguy hiểm.
1. 2019-nCoV (Cập nhật ngày 21/01/2020).
Trung tâm phòng chống và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) cùng với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang giám sát chặt chẽ vụ dịch gây ra bởi một chủng Coronavirus hoàn toàn mới (2019-nCoV) được phát hiện đầu tiên ở Thành phố Vũ Hán (Wuhan), tỉnh Hồ Bắc (Hubei), Trung Quốc. Hiện tại đã có khoảng 300 ca nhiễm chủng virus mới này được xác định ở Trung Quốc, bao gồm cả những ca ngoài thành phố Vũ Hán. 2019-nCoV đã lây sang nhiều nước khác, trong đó có Hoa Kỳ với ca đầu tiên được thông báo vào ngày 21/01/2020 ở một hành khách trở về từ Vũ Hán. Cơ quan y tế Trung Quốc hiện đã xác định, giải mã toàn bộ hệ gen của chủng Coronavirus mới này và đăng tải lên GenBank (https://www.ncbi.nlm.nih.gov/genbank/2019-ncov-seqs/
…). Xét nghiệm real-time PCR cũng đã được xây dựng để xác định 2019-nCoV.
Những bệnh nhân đầu tiên được phát hiện có mối liên quan với một chợ lớn về hải sản và các loại động vật sống tại Vũ Hán gợi ý đường lây truyền từ động vật sang người. Tuy nhiên nhiều ca nhiễm 2019-nCoV tiếp theo không có tiền sử tiếp xúc với chợ hải sản cho thấy sự lây nhiễm từ người sang người đang diễn ra, mặc dù cơ chế chính xác vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu.
Tiến triển và hậu quả của 2019-nCoV vẫn đang được theo dõi, đã có 4 bệnh nhân tử vong trong khi nhiều người bệnh khác chỉ ốm nhẹ và đã ra viện.
2. MERS-CoV (Coronavirus gây hội chứng hô hấp vùng Trung Đông).
Ca bệnh MERS-CoV ban đầu được báo cáo tại Saudi Arabia vào tháng 9 năm 2012. Các nghiên cứu hồi cứu sau đó cho thấy ca nhiễm đầu tiên đã xảy ra trước đó vào tháng 4 năm 2012 tại Jordan. Tất cả những trường hợp mới mắc tiếp theo bao gồm vụ dịch năm 2015 tại Hàn Quốc đều liên quan đến các du khách sinh sống hoặc trở về từ Arabian Peninsula. MERS-CoV có thể lây từ người sang người và ảnh hưởng tới bất kỳ ai. Tuổi của các bệnh nhân nhiễm MERS-CoV đã được báo cáo từ 1-99 tuổi. Hiện MERS-CoV vẫn đang được giám sát trên toàn cầu.
3. SARS-CoV (Coronavirus gây hội chứng hô hấp cấp nặng).
Ca bệnh SARS đầu tiên được báo cáo tại châu Á vào tháng 2 năm 2003. Dịch bệnh đã lan sang Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Châu Âu, Châu Á rồi toàn cầu trước khi được kiểm soát vào 2003. Kể từ 2004 đến nay vẫn chưa có trường hợp mới nhiễm SARS-CoV nào được báo cáo trên thế giới.
Ngày dịch: 21/01/2020.
Người dịch: Bác sĩ Cao Long.
Hiệu đính: Bác sĩ Trần Thị Hoa, Hội viên Hội Nữ trí thức Việt Nam https://www.facebook.com/hoatutin
Nguồn: Center of disease control and prevention (CDC). Human Coronaviruses. 21 Jan 2020. https://www.cdc.gov/coronavirus/about/index.html
Photo credit: CHINATOPIX, via Associated Press.
P.S. Trong những ngày gần đây, Bộ Y tế Việt Nam cũng liên tục cập nhật và ban hành chi tiết Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi cấp do chủng Coronavirus mới (nCoV) tại quyết định số 125/QĐ-BYT ngày 16/01/2020 [http://file.medinet.gov.vn/
…/qdb-2020-125-huong-dan-chan-do…] và Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của Coronavirus (nCoV) tại quyết định số 181/QĐ-BYT ngày 21/01/2020 [http://vncdc.gov.vn/
…/qd-181byt-huong-dan-giam-sat-benh-nco…]. WHO cũng đưa các khuyến cáo phòng ngừa nCoV cho người dân tại [https://www.who.int/
…/novel-coronavirus-2…/advice-for-public].
Cập nhật tình tình 2019-nCoV tại : https://www.facebook.com/100004724922430/posts/1467268040107346/?d=n.