Vàng Da Sơ Sinh

15:57 28/09/2024

VÀNG DA SƠ SINH

 

Tôi đã viết bài VÀNG DA SƠ SINH trong quyển PHÁT HIỆN TRẺ BỆNH VÀ CHĂM SÓC PHÙ HỢP. Song, dường như tình trạng sinh thiếu tháng, biến chứng sản khoa và  chuyển dạ khó – mổ đẻ có lẽ ngày càng tăng. Những yếu tố này trở thành một trong vài nguy cơ của vàng da sơ sinh khiến cho vàng da sơ sinh (VDSS) có lẽ cũng tăng. Vì vậy, viết thêm về VDSS là không thừa. Người làm trong lĩnh vực chăm sóc sơ sinh càng có nhiều kiến thức và kinh nghiệm về VDSS sẽ càng giúp trẻ sơ sinh bị vàng da sinh lý chóng khỏi và  trẻ sơ sinh vàng da do bệnh sẽ  tránh được biến chứng nghiêm trọng. 

 

Trong thời kỳ sơ sinh ở những tuần đầu, một số trẻ xuất hiện vàng da. Có hai loại vàng da: vàng da  sinh lý và vàng da bệnh.

Khoảng 3 - 6 giờ sau khi sinh và trước khi ra viện để về nhà, cán bộ y tế nhớ khám toàn diện cho trẻ bao gồm cả khám vàng da. 

 

Kỹ thuật khám một trẻ sơ sinh vàng da

Nhờ mẹ hay người thân của trẻ bế trẻ tới nơi có ánh sáng mặt trời, người khám  chọn một vùng trên thân thể của trẻ và lấy 2 ngón tay căng da. Nếu vàng da sẽ để lại màu vàng, nếu không vàng da sẽ thấy xanh nhợt (xem ảnh trái và phải dưới đây).

Ảnh trái: Kỹ thuật khám vàng da
Kết quả: không vàng da
Ảnh trái: Kỹ thuật khám vàng da
Kết quả: Vàng da, Bilirubin13 mg / dL

Ngoài vị trí khám vàng da như ảnh Trái và Phải bên trên, còn có thể khám ở trán, củng mạc mắt, mũi, bụng và tứ chi, cũng có nghĩa vàng da thường tập trung nhiều ở các vùng này. Tuy nhiên, chọn vùng da đỏ để khám sẽ thấy rõ hơn về màu vàng của vàng da.

  • Vàng da sinh lý hoặc vàng da do sữa mẹ sẽ thấy màu vàng nhạt/ vàng chanh. 
  • Vàng da nghi do các nguyên nhân nhiễm trùng, bệnh tại gan mật hoặc do dùng thuốc chữa bệnh thì thường vàng sẫm khác hẳn với vàng da sinh lý. 

 

Vàng da sinh lý, thường xuất hiện vào ngày thứ hai-thứ tư sau khi sinh. 

bilirubin là do hồng cầu phân huỷ tạo nên. Khi phụ nữ mang thai, gan của bà mẹ này thải bilirubin giúp thai nhi. Tại lúc sinh, gan của trẻ sơ sinh bắt đầu thải bilirubin, chất có màu vàng sẫm. Vào ngày thứ ba sau khi sinh nồng độ bilirubin trong máu của trẻ đạt đỉnh. Nhưng có một số trẻ sơ sinh và nhất là trẻ sinh non, thì trong một vài tuần sau khi sinh chức năng gan làm nhiệm vụ này chưa hoạt động hoặc còn kém. Vì vậy chất này không thải được quay lại ngấm vào da và các cơ quan khác trong cơ thể gây vàng. 

Có thể chẩn đoán hoặc kết luận một trẻ vàng da sinh lý khi:

- Tính chất vàng da là vàng chanh và vẫn xen lẫn hồng hào, củng mạc mắt chỉ hơi vàng;

- Quá trình mang thai và sinh của bà mẹ hoàn toàn bình thường;

- Trẻ sinh đủ tháng và không biểu biện bất kỳ dấu hiệu gì bất thường, vẫn ăn bú khoẻ, ngủ tốt, không sốt

 

Đối với những trẻ này, không cần chữa trị gì hết mà hãy chữa cho trẻ  bằng cách bú mẹ đầy đủ, thoả mãn nhu cầu dinh dưỡng sẽ giúp chức năng đảo thải bilirubin của gan càng nhanh chín mùi. Thường chỉ sau 1 -2 tuần gan sẽ thải bilirubin hoàn thiện. Đến đây, vàng da sẽ biến mất.

 

Vàng da do sữa mẹ, cũng là loại vàng da vô hại. 

Một số trẻ được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ xuất hiện vàng da, gọi là vàng da do sữa mẹ do trong sữa mẹ có những chất ảnh hưởng tới chức năng gan. Chứng vàng da này có thể kéo dài cả tháng. Tóm lại một trẻ sau khi sinh khoảng 1 tuần và đang được nuôi/bú hoàn toàn bằng sữa mẹ mà xuất hiện vàng da nhưng không biểu hiện gì bất thường thì không cần chữa trị gì hết. Hãy khuyên bà mẹ làm cho sữa của mình tiết được nhiều lên, cho trẻ bú nhiều hơn thoả mãn nhu cầu dinh dưỡng của trẻ, vàng da sẽ biến mất. 

 

Vàng da do bệnh hoặc thuốc đã dùng chữa bệnh, là loại vàng da sơ sinh khá phức tạp.

Trẻ sơ sinh vàng do bệnh có thể thấy li bì, bú kém, sốt  hoặc hạ nhiệt độ. Để chẩn đoán vàng da là không khó, gồm khám lâm sàng và xét nghiệm bilirubin huyết thanh. Tuy nhiên, phải xác định nguyên nhân gây vàng da từ đó mới chữa dứt điểm vàng da. Phải khám toàn diện cho trẻ, hỏi lịch sử sức khoẻ của cha mẹ và của bà mẹ trong thời kỳ mang thai, lúc chuyển dạ và sinh. 

Dựa vào thông tin đã khám và hỏi sẽ chỉ định các xét nghiệm cần thiết. Nếu nghi ngờ vàng da do nhiễm trùng, do các nguyên nhân về máu xét nghiệm: CTM, nhóm máu và yếu tố Rh và có thể xét nghiệm Coombs nếu nghi ngờ huyết tán.

 

Các nguyên nhân gây vàng da:

  • Nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng rốn
  • Nhiễm virus hoặc vi khuẩn
  • Xuất huyết trong, huyết tán
  • Bất đồng nhóm máu giữa mẹ-con
  • Suy gan
  • Tắc ống mật
  • Suy giảm men
  • Sinh non

 

Điều trị vàng da do bệnh:

Vàng da do bệnh có nguy cơ xuất hiện biến chứng, nghiêm trọng nhất là vàng da nhân, xảy ra khi lượng Bilirubin tăng quá cao nên thấm vào não của trẻ gây tổn thương não không thể hồi phục. Đối với trẻ vàng da do bệnh buộc phải đưa tới bệnh viện có chuyên khoa điều trị sơ sinh. Khi đã chẩn đoán xác định vàng da và nguyên nhân gây vàng da hãy chọn phác đồ điều trị phù hợp với từng trường hợp vàng da và cũng cần dựa vào kết quả xét nghiệm hàm lượng bilirubin huyết thanh tương ứng với tuổi của sơ sinh được tính theo giờ kể từ lúc sinh (Bảng 1 dưới đây):

Bảng 1. Hàm lượng bilirubin huyết thanh tương ứng với giờ tuổi của trẻ sơ sinh 

 

HÀM LƯỢNG BILLIRUBIN HUYẾT THANH 

TUỔI CỦA TRẺ SƠ SINH

> 10 milligrams

< 24  giờ

= 15 milligrams

24 -  48 giờ

> 18 milligrams

49 - 72 giờ

> 20 milligrams

>   72 giờ

Nguồn: Hội Hàn lâm Nhi khoa Mỹ 

Bộ Y tế đã ban hành phác đồ điều trị vàng da. 

Có một nguyên tắc chung cho điều trị trẻ sơ sinh vàng da do bệnh cũng giống như vàng da sinh lý là nên giúp bà mẹ tiết nhiều sữa để cho trẻ bú đảm bảo đủ nhu cầu (8-10 lần/ngày).

Cập nhật ngày 28/09/2024

Bác sĩ Trần Thị Hoa https://suckhoebametreem.edu.vn/tac-gia/tran-thi-hoa 

Thư viện ảnh Xem toàn bộ

Thư viện video Xem toàn bộ

Bài viết

Vàng Da Sơ Sinh
KANGAROO MOTHER CARE: LIỆU PHÁP MẦU NHIỆM CHO TRẺ SINH THIẾU THÁNG

Tin tức và sự kiện

TỌA ĐÀM PHƯƠNG PHÁP TỰ HỌC VÀ ĐỌC SÁCH HIỆU QUẢ: “KHUYẾN KHÍCH TỰ HỌC CÓ THƯỞNG SÁCH”
TSKH y dược Trần Thị Hoa, một nữ trí thức Huế tại Hà Nội