KIỂM TRA SỨC KHỎE : TẦM QUAN TRỌNG VÀ LỢI ÍCH
Bác sĩ Trần Thị Hoa (Hoa Tran )
https://www.facebook.com/hoatutin
Cập nhật 09/01/2020
Kiểm tra sức khỏe hay sàng lọc được áp dụng cho người bình thường từ sơ sinh tới tuổi già, thuộc lĩnh vực phòng bệnh thứ cấp đã có trong bài Phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Kiểm tra sức khỏe mang lại nhiều lợi ích vô giá: có thể phát hiện bệnh sớm và tìm ra các nguyên nhân sinh bệnh từ đó biết cách điều chỉnh, chăm sóc và chữa bệnh thích hợp kịp thời nên bệnh không còn cơ hội để tiến triển nặng lên và sẽ khỏi, kể cả bệnh ung thư. Đối với trẻ em ở giai đoạn thai nhi tới 5 tuổi sẽ phát hiện chậm tăng trưởng và các dị tật bẩm sinh, mặc dù đa phần là không thể chữa, nhưng vẫn có một số (nếu được phát hiện sớm) sẽ có thể trả lại chức năng gần như bình thường, ví dụ hở thành bụng bẩm sinh, hẹp bao quy đầu, rò niệu đạo, bệnh tim bẩm sinh mức độ nhẹ,...Ngoài ra, nhân cớ kiếm tra sức khỏe người dân có cơ hội gặp bác sĩ để tư vấn những vấn đề cần biết về phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe và chữa các bệnh thông thường.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ là chỉ ra tại thời điểm nào cần/nên đi khám sức khỏe tổng thể. Dựa vào sinh lý của mỗi lứa tuổi, các bác sĩ và chuyên gia sức khỏe ấn định thời điểm kiểm tra sức khỏe định kỳ cách bao lâu (tuần, tháng hoặc năm).
Các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đề nghị lịch khám sức khỏe đinh kỳ cho người lớn được phân thành 3 nhóm như sau:
- Nhóm từ 20- 45 tuổi: 1 lần/năm
- Nhóm từ 46- 60 tuổi: 2 lần/năm
- Nhóm > 60 tuổi: 3 lần/năm
Đối với trẻ em (từ 0- 18, có những nước tới 21 tuổi), dựa vào đặc điểm sinh lý tăng trưởng và phát triển của trẻ, các bác sĩ Nhi đã phân làm 6-7 thời kỳ. Vì vậy việc kiểm tra sức khỏe định kỳ cũng dựa vào các thời kỳ này và khoảng cách giữa các lần tính theo tuần, tháng, quý và năm. Trẻ ở tuổi càng nhỏ thì khoảng cách kiểm tra sức khỏe càng gần hơn. Dưới đây là Lịch kiểm tra sức khỏe định kỳ cho từng nhóm trẻ:
- Sơ sinh: được tính từ 0 - 28 ngày: hàng tuần
- Trẻ nhũ nhi (1-12 tháng) : hàng tháng
- Trẻ đi chập chững (13- 36 tháng) và trẻ mẫu giáo (37 – 59 tháng): hàng quý.
- Trẻ ở tuổi học đường: con gái (6 – 10 tuổi) và con trai (6 – 12 tuổi): hàng quý
- Trẻ tiền dậy thì: con gái (10 – 12 tuổi) và con trai (12 – 14 tuổi) : hàng nửa năm
- Trẻ dậy thì: con gái (12 – 14 tuổi) và con trai (14 – 16 tuổi) và hậu dậy thì:
con gái (14 – 18 tuổi ) và con trai (16 – 20 tuổi) : hàng năm
Chi tiết các thù tục khám đã được viết chính thống ở Chương 3 của Quyển GIÚP TRẺ EM PHÁT TRIỂN TỐI ƯU ở link này: https://suckhoebametreem.edu.vn/sach/quyen-2-giup-tre-em-phat-trien-toi-uu/2
Ở người lớn, mỗi cuộc hậu dậy thì: bác sĩ sẽ khám thực thể, xét nghiệm một số dịch thể (máu, nước tiểu, phân, đờm, niêm mạc, cơ....) và chụp chiếu. Các xét nghiệm và chụp chiếu có phần khác nhau giữa nam và nữ và cũng hơi khác giữa các nhóm tuổi.
Đối với trẻ em, bác sĩ kiểm tra sức khỏe định kỳ cho trẻ thường khám thực thể là chính, rất ít làm xét nghiệm và chụp chiếu, trừ những trường hợp nghi ngờ có dị tật bẩm sinh hoặc đang mắc bệnh.
* Lưu ý
- Cả người lớn và trẻ em, trong trường hợp có vấn đề bất thường hoặc ốm đau thì không đợi tới lịch kiểm tra sức khỏe định kỳ trên đây mà nên gặp bác sĩ tư vấn hoặc khám bệnh càng sớm càng tốt.
- Đối với trẻ em ở thời kỳ tiền dậy thì, dậy thì và hậu dậy thì, ngoài việc khám định kỳ vẫn nên cho trẻ gặp Bác sĩ tâm lý khi cha mẹ của trẻ cảm thấy tính tình của trẻ trở nên khó chịu hoặc buồn bã, chán học, chán ăn, ngủ kém…để phát hiện sớm các chứng rối loạn tâm lý, trầm cảm (nếu có).
Bài trên đây chỉ giới thiệu về tầm quan trọng và lợi ích kiểm tra sức khỏe cũng như lịch kiểm tra sức khỏe định kỳ theo nhóm tuổi. Chi tiết mỗi gói khám sức khỏe định kì cho từng lứa tuổi sẽ trình bày vào những kỳ sau
* Để tìm hiểu về Bác sĩ Hoa, mời bạn tìm Vài nét về tác giả trong website này: https://suckhoebametreem.edu.vn