Vụ sản phụ tử vong bất thường ở BV Việt Pháp: Băng huyết sau sinh nguy hiểm như thế nào?
Liên quan đến trường hợp sản phụ 24 tuổi ở Hà Nội tử vong sau khi sinh tại BV Việt Pháp (Hà Nội) TS. BS Trần Thị Hoa, người từng nghiên cứu và điều hành về đào tạo Sản khoa thiết yếu và Sức khỏe Sinh sản của WHO, AusAID và UNFPA, cho rằng, khả năng là do sản phụ bị băng huyết sau sinh (BHSS). Đây là tình trạng chảy máu nặng được xác định mất hơn 500ml máu trong 24 giờ sau khi sinh.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có hơn 500.000 phụ nữ trên toàn thế giới tử vong trong khi sinh hoặc do các biến chứng thai sản, trong đó BHSS chiếm tới 25%. Các biến chứng thai sản có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào ở mang thai, sinh nở và sau khi sinh. Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, tỷ lệ phụ nữ BHSS chiếm từ 3% - 8% và đây được xem là nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở các bà mẹ.
TS. Trần Thị Hoa cho biết, có nhiều nguyên nhân gây BHSS gồm:
Sản phụ bị rối loạn đông máu: Phụ nữ bị rối loại đông máu có thể do di truyền hoặc mắc phải như bệnh ưa chảy máu, bệnh von Willebrand (vWD), thiếu hụt yếu tố IX hoặc XI có thể gây xuất huyết nặng sau sinh, làm tăng nguy cơ tử vong, đặc biệt là trong thời kỳ hậu sản.
Giảm tiểu cầu: Đây là tình trạng thay đổi huyết học phổ biến nhất liên quan đến tăng huyết áp do thai nghén. Nếu số lượng tiểu cầu giảm xuống dưới 100.000/ μlL, sản phụ sẽ có nguy cơ không thể đông máu trong và sau khi sinh.
Đờ tử cung: Sau khi sinh tử cung không co bóp. Nếu bà mẹ bị nhau tiền đạo, nhau bong non thì có thể làm tăng nguy cơ đờ tử cung, băng huyết sau sinh.
Chấn thương trong thời kỳ chuyển dạ: có khả năng do các biến chứng như vỡ tử cung hoặc vết rách do sinh nở hoặc can thiệp phẫu thuật.
Bác sĩ Hoa bổ sung, những phụ nữ dưới đây có khả năng xuất hiện BHSS: thai già tháng; giai đoạn thứ hai của quá trình chuyển dạ không tiến triển, tình trạng dinh dưỡng của mẹ kém, tuổi mang thai dưới 20 hoặc ngoài 35 tuổi; sản giật và các rối loạn liên quan; chuyển dạ kéo dài; sót nhau.
"Qua những nguyên nhân và nguy cơ do các Nhà Dịch tễ học Y khoa và Sản khoa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trường Sản khoa đã đúc kết thì có thể sản phụ tử vong tại BV Việt Pháp là do một trong các nguyên nhân/yếu tố nguy cơ kể trên đã xuất hiện trong quá trình mang thai hoặc lúc chuyển dạ", bác sĩ chia sẻ.
Bác sĩ Hoa cũng cho biết, sản phụ trước khi bị BHSS thường có các dấu hiệu như xanh xao, choáng váng; bồn chồn hoặc li bì; huyết áp thấp; tăng nhịp tim/nhịp tim nhanh... bác sĩ phải nhận biết các dấu hiệu xuất huyết sau sinh càng sớm càng tốt.
Bởi vì khi đã xuất hiện BHSS mà không được bác sĩ phát hiện sớm, sản phụ có thể bị mất máu nghiêm trọng dẫn tới tổn thương các cơ quan nội tạng, suy đa tạng, nhiễm trùng huyết, sốc do rối loạn nước điện giải, là những nguyên nhân trực tiếp gây tử vong mẹ. Tuy nhiên, hãy cảnh giác với những trường hợp BHSS mà nguyên nhân do giảm tiểu cầu thường không xuất hiện triệu chứng hoặc các dấu hiệu rất nhẹ, lu mờ nên dễ bị bỏ qua khiến bà mẹ trở nên nguy kịch nhanh chóng tử vong dù trong quãng thời gian này đã được bác sĩ tận tình cứu chữa.
Lẽ thường, một phụ nữ biết có thai đã phải gặp bác sĩ hoặc nữ hộ sinh lành nghề tại cơ sở y tế để khám thai. Khi đó, nhân viên y tế sẽ thực hiện các thủ thuật như khám nội khoa tổng quát, khám sản phụ khoa và khám thai, mà đối với phụ nữ khỏe mạnh bình thường cần tới 8 lần. Riêng đối với siêu âm thai, WHO khuyên rằng phụ nữ mang thai khỏe mạnh chỉ siêu âm 1 lần trước 24 tuần để ước tính tuổi thai, phát hiện những bất thường trên thai nhi và đa thai, giảm việc giục chuyển dạ trên những nữ mang thai già tháng. Khi khám thai định kỳ mà khám đủ và khám đúng, dứt khoát bác sĩ đã phát hiện những nguyên nhân, tức là những bất thường và can thiệp ngay thì bệnh sẽ không nặng thêm nên sẽ ngăn ngừa được BHSS hoặc các biến chứng khác.
Trường hợp phát hiện nguyên nhân muộn, bác sĩ đã phải theo dõi cuộc sinh sát sao suốt thời kỳ và sau khi sinh bằng cách quan sát các dấu hiệu lâm sàng và sinh tồn cách khoảng 15 phút, đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện cấp cứu sản khoa gồm: chống sốc, máu và tiểu cầu, dịch chuyền và phòng mổ. Hiểu rằng đã xảy ra BHSS mà không được phát hiện và điều trị kịp thời, đúng cách sẽ có thể tử vong sau vài giờ hoặc sớm hơn do tình trạng chảy máu nặng và liên tục!
Để tránh các biến chứng thai kỳ bao gồm BHSS, khi biết có thai bà mẹ nên khám thai định kỳ như đã nêu trên và biết phòng bệnh bằng cách không nên lạm dụng nội tiết và thuốc chữa bệnh, kể cả vitamin tổng hợp hoặc thực phẩm chức năng; bà mẹ không nên ăn uống đồ công nghiệp, thực phẩm biến đổi gene, sinh hoạt thể chất lẫn tinh thần hợp với bà bầu.
Trong những lần khám, nếu phát hiện có bệnh cần được bác sĩ chữa trị dứt điểm. Mặc dù bệnh đã khỏi, bác sĩ vẫn phải ghi nhận vào hồ sơ cần theo dõi sát sao trong suốt thời kỳ mang thai còn lại tới lúc chuyển dạ, sinh nở và sau khi sinh.