KANGAROO MOTHER CARE: LIỆU PHÁP MẦU NHIỆM CHO TRẺ SINH THIẾU THÁNG

13:06 28/09/2024

KANGAROO MOTHER CARE:

LIỆU PHÁP MẦU NHIỆM  CHO TRẺ SINH THIẾU THÁNG

 

Tóm lược lịch sử và lợi ích của Kangaroo Mother Care

 

Những chú chuột túi con ở trong túi của mẹ nhiều tháng tới khi chúng lớn biết tự tìm thức ăn thì mới rời khỏi túi mẹ. 

Cuối những năm 1970, thời kỳ mà nhiều trẻ sinh non ở Columbia rộ lên khiến các bệnh viện quá tải,  hai BS Edgar Rey và Hector Martinez ở Bogota, Columbia nghiên cứu nhằm tìm giải pháp chăm sóc trẻ sinh thiếu tháng. Dựa vào cuộc trò chuyện với một người dân kể lại rằng cô Điều dưỡng trong làng giải thích cho các bà mẹ cách đặt trẻ sơ sinh vào ngực của mẹ đã hỗ trợ sức khoẻ và sự tăng trưởng của em bé. Nghe vậy, hai BS này đã thử áp dụng cho bà mẹ và trẻ sơ sinh da-kề-da tại bệnh viện của họ và gọi phương pháp này là “kangaroo mother care” (KMC) để mô tả việc ẵm trẻ sinh non vào ngực của bà mẹ giống như những con chuột túi sinh non được chuột mẹ mang trong túi của mình chạm vào vú của mình để con bú.

Kết quả việc thử nghiệm của hai BS này thành công, giảm 70% trẻ sơ sinh non tháng tử vong trong năm đầu. Cùng thời, những nhà nghiên cứu ở Mỹ đang kiểm tra xem kỹ thuật da-kề-da có thể giúp gì cho trẻ sơ sinh thiếu tháng và bố mẹ của chúng. 

KMC gồm 3 can thiệp: 

  1. Tiếp xúc da-kề-da duy trì thân nhiệt của trẻ ở giới hạn bình thường; 
  2. Nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ;
  3. Ngăn chặn các bệnh nhiễm trùng. 

Các nghiên cứu về tiếp xúc da-kề-da từ 1991-1995 công bố rằng khả năng điều chỉnh nhiệt độ tương tự hoặc tốt hơn so với lồng ấp, nhịp thở đều đặn, thời gian tỉnh táo/thức tỉnh lâu hơn và khả năng thích ứng của bà mẹ với việc sinh con quá nhỏ cũng được cải thiện. KMC không chỉ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho trẻ sinh thiếu tháng và nhẹ cân, mà cũng rất  tốt cho trẻ sinh đủ tháng, cân nặng đạt chuẩn. 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và một số nhóm nghiên cứu ở Mỹ đã thử nghiệm lâm sàng KMC đưa ra bằng chứng về lợi ích của KMC là an toàn và hiệu quả, giảm tỉ lệ bệnh tật và tử vong đồng thời giúp trẻ được bú mẹ sớm, sữa mẹ ra nhiều-thường xuyên, nhanh chóng được xuất viện. KMC không đòi hỏi nguồn nhân lực chuyên sâu về y, cách làm rất đơn giản và rất ít tốn kém, phù hợp với những khu vực mà nguồn lực hạn chế. Trái lại, việc chăm sóc các nhóm sơ sinh này bằng lồng ấp rất tốn kém và phải đào tạo nhân viên y tế. 

 

Chỉ định KMC

WHO gần đây nhất (2021-2022) đề nghị rằng KMC là việc chăm sóc trẻ sơ sinh thường quy có cân nặng lúc sinh 2000 g hoặc ít hơn (trẻ sinh thiếu tháng hoặc cân nặng thấp/ LBW) và nên thực hiện ở các cơ sở chăm sóc sức khoẻ càng sớm càng tốt, khi trẻ đã ổn định lâm sàng. 

 

Lịch trình làm KMC

  • Các chuyên gia của WHO khuyên rằng dùng KMC liên tục tới những 20 tiếng/ ngày.
  • Một số tác giả khác thì cho rằng KMC phù hợp nhất là nên bắt đầu trong vòng 24 giờ sau khi sinh và cung cấp ít nhất 8 giờ mỗi ngày.
  • Một nghiên cứu công bố rằng dùng KMC mỗi lần 2 tiếng, thực hiện ít nhất 7 ngày liên tục. 
  • Các nhà nghiên cứu khác cũng khuyên rằng thời gian của mỗi lần dài hơn càng tốt cho trẻ hơn. Tránh làm KMC mỗi lần chỉ trong 1 tiếng sẽ khiến trẻ bị sang chấn
  • Dùng KMC cách khoảng tốt hơn là liên tục.

Lưu ý rằng khi trẻ đang nằm viện thì phải dựa vào Tiêu chuẩn trẻ KMC được ra viện (có thể ngừng làm KMC tại bệnh viện) trình bày gần cuối bài này!

 

Nơi thực hiện KMC

KMC được thực hiện tại bệnh viện và cũng có thể ở nhà.

Trước hết phải thực hiện  tại nơi trẻ sinh ra (Nhà hộ sinh hoặc Khoa Sản) hoặc khoa Sơ sinh của bệnh viện. Sau một thời gian nếu thấy trẻ tiến triển tốt về mọi mặt thì có thể xuất viện và hướng dẫn bà mẹ-người thân của trẻ tiếp tục làm KMC tại nhà.

 

Chống chỉ định dùng KMC

Những trường hợp sơ sinh sau đây không nên chỉ định KMC:

  • Đang thở máy qua ống nội khí quản.
  • Không có động mạch rốn
  • Tổn thương vùng ngực-bụng chưa hồi phục.
  • Dị tật bẩm sinh nặng
  • Dùng các thuốc vận mạch.

 

Quy trình thực hiện KMC

Người làm KMC (bà mẹ, người cha hoặc người thân) có thể nằm, ngồi hoặc đi lại. Nhưng cả 3 tư thế này đều theo nguyên tắc chung là phải đảm báo tư  thế của người làm KMC  và của trẻ phải đúng! 

Nhân viên y tế (tại khoa Sản hoặc khoa Sơ sinh) phải hướng dẫn cho bà mẹ và người thân của trẻ cách thực hiện KMC, gồm các bước theo trình tự như sau:

1) Chuẩn bị sẵn các đồ dùng ( xem Ảnh bên dưới), gồm:

  • Chậu rửa
  • Giấy lau
  • Tả/ bỉm 
  • Gương soi
  • Áo ngoài và túi bọc cho mẹ loại chuyên dụng làm KMC
  • Búp bê trong ảnh này là minh hoạ trẻ sơ sinh
Ảnh nguồn: Tài liệu tập huấn KMC của WHO

 

2) Đối với người làm KMC(bà mẹ, người cha hoặc người thân): 

  • Thân thể  và quần áo sạch
  • Rửa tay thật sạch
  • Mặc túi bọc rồi mặc tiếp áo vào (xem hình NV YT làm mẫu A và B dưới đây): 
Mẫu A
Mẫu B

 

3) Chuẩn bị trẻ sơ sinh/em bé: 

Cởi chăn bông ra, để nguyên mũ tất và bỉm nhưng nhớ kiểm tra bỉm đang chưa thấm nước tiểu hoặc phân. Nếu đã bẩn, hãy thay bỉm mới. 

Bế trẻ trong tư thế như ảnh phải trên đây, mặt đối diện với mặt của mẹ và tiến dần để trẻ ở tư thế thẳng đứng.

 

Đặt trẻ ở tư thế thẳng đứng sao cho ngực và bụng của trẻ áp vào ngực và bụng của  mẹ, trông giống con ếch, không để cổ trẻ bị gập, điểu chỉnh đầu của trẻ chạm một bên ngực của mẹ/người lớn sao cho mũi và miệng của trẻ không bị che chắn. Một tay giữ đầu, tay kia kéo phần trên của túi bọc lên tận cổ ở dưới tai và rồi kéo tiếp sao cho những vùng túi bọc còn lại phủ cả hai mẹ con.

Đến lượt kéo miệng dưới của túi bọc, tém chân và bàn chân của trẻ gói gọn trong túi bọc ( xem hình dưới) 

Cuối cùng phải đảm bảo trẻ đã được bọc chắc chắn không bị tuột /rơi!

Kiểm tra trẻ thở, phải đảm bảo túi bọc không che mũi và miệng của trẻ, xem ảnh dưới đây:

 

NHỮNG TƯ THẾ CỦA NGƯỜI LÀM KMC (MẸ, CHA hoặc NGƯỜI THÂN CỦA TRẺ):

Người làm KMC nằm là chính, nhưng thỉnh thoảng có thể ngồi hoặc đi lại trong khuôn viên mà đang chăm sóc trẻ. 

Lưu ý! Trong suốt thời gian làm KMC đều làm cho em bé cựa quậy dễ dàng và  bà mẹ/ người làm KMC không bị gò bó.

 

Những điều nên tránh trong khi thực hiện KMC

Để làm MKC an toàn và thuận lợi cho trẻ, người làm KMC nên nhớ: 

  • Không dùng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác.
  • Không mắc các bệnh nhiễm trùng.
  • Không bôi/ thoa bất kỳ loại nước hoa hoặc kem dưỡng da.
  • Không hút thuốc trước hoặc trong khi chăm sóc Kangaroo.

 

Thăm khám trẻ trong khi thực hiện phương pháp KMC

Hàng ngày nhân viên y tế phải:

  • Thăm khám tổng quát/toàn diện 
  • Theo dõi các thông số cơ bản: nhịp tim, nhịp thở, mầu sắc da, thân nhiệt…
  • Cũng cần thăm dò/phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường như vàng da, nôn trớ, tính chất phân, nước tiểu, cân nặng, tinh thần/ sự đáp ứng của trẻ.
  • Hỗ trợ và hướng dẫn cách cho trẻ bú mẹ hoặc ăn bằng sữa mẹ, đảm bảo trẻ luôn ấm.
  • Thông báo và bàn bạc với  bố mẹ của trẻ nếu thấy trẻ xuất hiện những vấn đề bất thường

 

Tiêu chuẩn trẻ KMC được ra viện ( có thể ngừng làm KMC tại bệnh viện)

  1. Trẻ tiến triển tốt thấy rõ, không còn bệnh tật gì.
  2. Trẻ tự bú mẹ và ăn hoàn toàn bằng sữa mẹ
  3.  Cân nặng tăng (15-20 g/kg/ngày), ít nhất  trong 3 ngày liên tục.
  4. Nhiệt độ ổn định ít nhất  trong 3 ngày liên tục
  5. Bà mẹ/ người nhà của trẻ đã hiểu và tin tưởng tác dụng của KMC và có thể tiếp tục làm tại nhà (nếu cần)

 

Theo dõi trẻ KMC sau khi đã xuất viện

Cơ sở làm KMC cho trẻ cũng phải có trách nhiệm theo dõi trẻ sau khi đã xuất viện về nhà, bằng cách lập lịch rồi trao cho mẹ/người nhà biết:

  • Thăm khám cho trẻ 1-2 lần/tuần tới khi tuổi của trẻ được 37-40 tuần hoặc cân nặng đã là 2,5 – 3 kg
  • Thăm khám cho  trẻ 1 lần/ 2 tuần khi cân nặng tăng từ 15-20 g/kg/ngày hoặc đến tuổi 41 tuần.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Agustin Conde-Agudelo  1 , José L Díaz-Rossello. Cochrane Database Syst Rev. 2016 Aug 23;2016(8):CD002771. 
  2. Bireshwar Sinha, Halvor Sommerfelt et al (2021): Effect of Community-Initiated Kangaroo Mother Care on Postpartum Depressive Symptoms and Stress Among Mothers of Low-Birth-Weight Infants. A Randomized Clinical Trial,  JAMA Netw Open. 2021;4(4):e216040.
  3. N Charpak, Nathalie MD; Ruiz-Peláez, Juan G. MD; de Calume, Zita Figueroa MD: Current knowledge of Kangaroo Mother Intervention, Current Opinion in Pediatrics 8(2):p 108-132, April 1996.
  4. R Tessier 1N CharpakM GironM CristoZ F de CalumeJ G Ruiz-Peláez (2009): Kangaroo Mother Care, home environment and father involvement in the first year of life: a randomized controlled study Acta Paediatr v. 2009 Sep;98(9):1444-50.
  5. Sindhu Sivanandan, Mari Jeeva Sankar (2023): Kangaroo mother care for preterm or low birth weight infants: a systematic review and meta-analysis, BMJ Globle Health, Accepted 9 March 2023
  6. The Lancet: New World Health Organization recommendations for care of preterm or low birth weight infants: health policy. Care of Preterm or Low Birthweight Infants. Open AccessPublished:August 16, 2023DOI.
  7. World Health Organization (2003) kangaroo mother care: a Pratice Guide
  8. WHO Immediate KMC Study Group (2021): Immediate “Kangaroo Mother Care” and Survival of Infants with Low Birth Weight, N Engl J Med 2021;384:2028-2038VOL. 384 NO. 21
  9. WHO Kangaroo Mother Care for preterm and low-birthweight babies. World Health Organization Regional Office for the Western Pacific

Thư viện ảnh Xem toàn bộ

Thư viện video Xem toàn bộ

Bài viết

Vàng Da Sơ Sinh
KANGAROO MOTHER CARE: LIỆU PHÁP MẦU NHIỆM CHO TRẺ SINH THIẾU THÁNG

Tin tức và sự kiện

TỌA ĐÀM PHƯƠNG PHÁP TỰ HỌC VÀ ĐỌC SÁCH HIỆU QUẢ: “KHUYẾN KHÍCH TỰ HỌC CÓ THƯỞNG SÁCH”
TSKH y dược Trần Thị Hoa, một nữ trí thức Huế tại Hà Nội