Một số “mẹo” để học tốt tiếng Anh
Bất kể ngôn ngữ nào (Anh, Pháp, Nga…), muốn học có hiệu quả thì người học nên tìm ra những cách thức/phương pháp học phù hợp với riêng mình. Dưới đây tôi xin chia xẻ “mẹo” học tiếng Anh rút ra từ bản thân kết hợp tham khảo những phương pháp học tiếng Anh chuyên nghiệp từ hai giáo trình ILEST và TOEFL là có hiệu quả rõ rệt:
1. Tự nhiên, nghĩa là không lúng túng, không thẹn thùng, giả giọng càng giống càng tốt, không ngại sai, thể hiện mình đang cần thầy/bạn giúp thì sẽ được nhận sự giúp đỡ, nghĩa là người ta sẽ chữa sai cho mình và dạy cho mình cách học như thế nào để có hiệu quả.
2. Sử dụng từ điển Anh-Anh trong trường hợp bí thì mới dùng Anh-Việt. Điều này giúp cho ta tăng thêm được vốn từ và cả hiểu sâu hơn về ngữ pháp nữa. Nói chung, học 1 ngôn ngữ mà nghe nhìn, đọc, hội thoại, viết và dùng tự điển chỉ bằng một thứ ngôn ngữ ấy, chẳng hạn học tiếng Anh thì dùng các phương tiện trợ giúp học bằng Anh -Anh là tiến bộ rất nhanh nhất và chuẩn nhất.
3. Tìm cơ hội để dạy cho người có trình độ thấp hơn mình một chút đó cũng là cách giúp mình ôn lại, sẽ nhớ mãi.
4. Tìm cơ hội để giao tiếp với người nói tiếng Anh tốt, ngoài người Anh, Mỹ hoặc tối thiểu là người Úc, tệ nhất là các nước dùng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai chính thống như Đức, Hà Lan, Canada.
5. Có phương tiện học phù hợp:
- Sách tiếng Anh: là một sinh viên bất kể ngành khoa học nào đều phải đọc được sách ngoại ngữ, mà sách và cả tạp chí ngoại ngữ phổ biến trên thế giới là tiếng Anh. Vậy nên phải học tiếng Anh và bằng 1 trong 2 giáo trình này: IELST hoặc TOEFL thì mới có các kỹ năng đọc hiểu/đọc được sách, viết bài, nghe hiểu, phát triển từ vựng và làm giàu vốn từ vựng.
- Máy tính hoặc Ipad và có khi sử dụng điện thoại thông minh. Vào youtube để tìm các chương trình dạy phát âm, đọc hiểu của IELST hoặc TOEFL, VOA Learning English.
https://www.britishcouncil.org/english
https://www.youtube.com/watch?v=lV1ikaNI0c8&list=PL03B1D8E42488C386
6. Để học được một ngôn ngữ thì nên thích nghi với văn hóa của họ. Tiếng Anh có 2 loại Anh thuần túy và Anh Mỹ. Cả hai đều có chung văn hóa mà trong đó ngôn ngữ không lời là 1 trong những nét văn hóa của họ. Vì thế người học nên thích nghi, kinh nghiệm cho thấy càng thích nghi càng có lợi cho ta cả hai mặt: hiệu quả học cao hơn và giúp cho ta có nhiều mối quan hệ tốt hơn. Thích nghi này sẽ giúp cho nhiều người Việt hình thành thói quen sử dụng ngôn ngữ cơ thể/không lời (body language/ non-verbal language).
Nói hơi ngoài lề một chút nhưng cũng không vô ích: Lẽ thường, để giao tiếp với người khác có hiệu quả, tạo mối quan hệ tốt thì không chỉ là dùng ngôn ngữ có lời mà đôi lúc còn kết hợp với ngôn ngữ không lời. Ngôn ngữ không lời bằng ánh mắt, bằng những biểu lộ trên khuôn mặt, bằng những cử động của cơ thể mà tỏ ra tôn trọng người khác và cầu tiến, đương nhiên trong đó có cả những động thái phản ứng/phản đối, trạng thái vui buồn mà nếu ta biết cách biểu lộ đúng lúc thì đắc dụng lắm. Người Việt chúng ta hình như còn “nghèo” với thứ văn hóa này.
Tuy nhiên có một số hạn chế nhất định về khả năng của từng người và về điều kiện môi trường giáo dục cho nên không phải ai cũng đạt được cả 4 yêu cầu nghe, nói, đọc và viết thông thạo. Nhưng, các bạn đồng nghiệp của tôi phải phấn đấu ít ra là đọc hiểu được sách tiếng Anh về chuyên môn của mình.
Biết thêm một ngôn ngữ không chỉ giúp ta mở mang kiến thức về nghề mà còn giúp ta hiểu thêm một nền văn hóa của một đất nước đó. Hơn nữa đã học tốt một ngôn ngữ thì học thêm một ngôn ngữ khác sẽ nhanh và dễ vô cùng. Thú vị lắm các bạn ạ!
Cuộc đời là ngắn, kiến thức là mênh mông, mỗi người chỉ “nhặt”được một chút trong cả một đại dương bao la.
Không có phương pháp nào là tối ưu cả. Học mà xuất phát từ nhu cầu cá nhân và yêu thích học thì sẽ có hiệu quả cao nhất. Tùy thuộc và sở thích, trình độ và hoàn cảnh của mỗi người, biết lựa chọn và sáng tạo những cách học sao cho phù hợp với mình nhất. Bạn nào có kinh nghiệm gì hay hơn thì xin hãy chia sẻ thêm.
Cập nhật ngày 12/01/21
Bác sĩ Trần Thị Hoa https://suckhoebametreem.edu.vn/tac-gia/tran-thi-hoa