TẠI SAO VIỆT NAM KHÔNG CÓ Ổ DỊCH COV19 (corona virus 2019)?
Dưới đây là những nghiên cứu, theo dõi và tổng hợp của TS. BS Trần Thị Hoa (Hội viên Hội Nữ trí thức Việt Nam) về các bệnh truyền nhiễm do các chủng corona gây ra, cũng như tiềm năng lợi thế của Việt Nam nhằm biết cách phòng tránh không chỉ hiện tại mà cả tương lai, đồng thời vơi đi phần nào nỗi lo vô hình.
Cả thế giới vẫn đang đối mặt với SARS-CoV2, mà đại dịch này chưa có hồi kết. Xét về lịch sử của họ hàng coronavirus, đã xuất hiện tới mấy đợt kể từ 2002, điển hình là ổ dịch SARSCoV phát sinh tại Quảng Đông cũng ở Trung Quốc vào tháng 11/2002 rồi lan truyền tới 26 nước ngoài Trung Quốc trong đó có Việt Nam, đã cướp đi sinh mạng của 5 bác sĩ và điều dưỡng.
Đến tháng 7/2012, MERS CoV bùng phát tại Trung Đông và có tới 27 nước bị ảnh hưởng mà hiện tại vẫn đang trong tình trạng phải đề phòng, tuy quy mô phát tán hẹp nhưng tỉ lệ tử vong rất cao. Có một vấn đề liên quan giữa hai trận dịch SARSCoV là rằng đặc tính di truyền của chủng corona 11/ 2002 gần giống với chủng corona 12/2019 và cả hai lần đều ở Trung Quốc. Vì thế Cov19 đã có tên chính thức là SARSCoV2. Cho tới lúc này WHO vẫn chưa thể phỏng đoán thời gian chống dịch SARS CoV2 kéo dài thêm bao lâu.
Nhưng vào ngày 19/03/20 Trung Quốc tuyên bố đã qua 1 tuần không có ca mắc mới, giao thương ở Vũ Hán đã bắt đầu hoạt động trở lại. Quãng thời gian đại dịch lần này hoành hành ở Trung Quốc đã kéo dài trên 3 tháng, tương tự SARS CoV lần đầu tại Quảng Đông. Nhưng từ khi nơi đây ngừng hẳn đã kéo dài thêm nhiều tháng ở những nước bị ảnh hưởng, mà tính ra tổng thời gian là trên 8 tháng (11/2002-7/2003). Suy ra đại dịch Covid19 mà cả thế giới đang phải gồng mình phòng chống có lẽ tối thiếu phải mất vài tháng nữa, là niềm tin lạc quan dựa vào đặc tính của corona qua nghiên cứu virus và dịch tễ học vi sinh gây bệnh kết hợp thực tế của SARSCoV 2002/2003.
Mặc dù vậy dịch bệnh này vẫn chưa thể quét sạch nên nỗi lo vẫn đọng lại trong ký ức của mọi người trên toàn thế giới là có cơ sở. Bởi vì các chủng của họ corona ở Trung Đông (MERSCoV) vẫn đang “hoạt động” ngầm, chưa chế ra được vaccine phòng bệnh, sợ nhất là gene của SARSCoV 2003 tới 70% là tương tự của SARSCoV2019. Điều này chỉ ra rằng khả năng biến dị của họ hàng corona là khôn lường.
Vì lẽ đó việc đưa thêm những thông tin và kiến thức về nguồn gốc sinh bệnh, tính chất của các vụ dịch và đường truyền do các chủng corona gây ra, lứa tuổi cảm nhiễm và tử vong cao nhất cũng như tiềm năng lợi thế của Việt Nam nhằm biết cách phòng tránh không chỉ hiện tại mà cả tương lai đồng thời vơi đi phần nào nỗi lo vô hình.
Khái niệm về virus Corona và ổ dịch đã bùng phát
Ảnh mô phỏng virus 2019-nCoV (Ảnh: AP) |
Corona là loại virus tập hợp thành một họ lớn gồm các chủng, đã được phát hiện từ những năm cuối của thập niên 60. Có những chủng đã gây viêm phế quản ở các loài chim, gia cầm và động vật có vú và truyền từ động vật sang người. Ở người, khi bị nhiễm corona phần nhiều là gây bệnh đường hô hấp nhẹ như cảm thông thường và cũng xuất hiện thể nặng, điển hình là SARS-CoV, MERS-CoV và SAR-CoV2 mà sẽ trình bày từng phần theo trình tự bên dưới đây.
Các thông số liên quan tới bùng phát ổ dịch do các chủng coronavirus
Bảng 1. Các thông số liên quan tới bùng phát ổ dịch do các chủng coronavirus |
Bảng 1 trên đây cho thấy trong quãng thời gian 18 năm đã xuất hiện 3 dịch lớn do các chủng coronavirus nhưng đại dịch thứ ba hiện vẫn đang hoành hành. Mặc dù số ca nhiễm lần này cao hơn rất nhiều so với hai lần trước, nhưng tỉ lệ tử vong thô là thấp nhất. Ngoài ra, phân tích gene của chủng corona gây dịch CoV2019 cũng như bệnh cảnh lâm sàng hội chứng suy hô hấp gần giống SARS CoV 2003 nên Ủy ban QT Virus học đã đặt tên cho Cov19 là SARCoV2.
Hội chứng hô hấp cấp nguy kịch SARS (Severe Acute Respiratory Syndrome)
Các chuyên gia của WHO đã nghiên cứu SARS coronavirus (SARS-CoV) vào năm 2003 và đoán rằng do một virus từ một vật chủ động vật chưa xác định chắc chắn, mà có lẽ là các con dơi rồi đã truyền cho các loài cầy hương và xâm nhập vào người.
Trung Quốc (bệnh nhân zero) vào tháng 7/2002. Tới tháng 11/2002 đã thành dịch SARS cũng tại nơi đây. Nhưng chính phủ Trung Quốc mãi tới tháng 2/2003 mới chịu loan báo cho WHO. Hậu quả dịch bệnh đã ảnh hưởng tới 28 nước ngoài Trung Quốc. Thời gian từ khi dịch xảy ra tới lúc ngừng khoảng 8 tháng (11/2002-07/2003) với tổng số người nhiễm là 8,096 và tử vong 774, chiếm tỉ lệ 9,6%. Việt Nam bị nhiễm SARSCoV2003 qua một doanh nhân từ Hồng Kong mang đến, đã cướp đi 5 sinh mạng của bác sĩ và điều dưỡng!
Bác sĩ có công lớn trong việc phát hiện coronavirus gây SARS CoV là Carlo Urbani. Ngày 28-2-2003, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội liên lạc với WHO, thông báo bệnh nhân nhiễm virus giống cúm và có gì đó bất thường biểu hiện của bệnh nghiêm trọng Carlo lúc ấy đang làm việc cho WHO tại Hà Nội đã đến ngay.
Bác sĩ Carlo Urbani đang nghiên cứu vi sinh (Nguồn ảnh: http://www.felicitapubblica.it) |
Suốt một tháng tiếp xúc gần gũi với những bệnh nhân để nghiên cứu virus gây bệnh, đồng nghiệp này đã bị lây CoV từ bệnh nhân rồi trở bệnh thành SARS và đã qua đời vào ngày 29-3-2003 tại một bệnh viện nhỏ ở Thái Lan nhân chuyến công tác từ Hà Nội sang. Sau khi bác sĩ Carlo Urbani mất 2 tuần, nhờ lá phổi của ông, coronavirus đã được chỉ mặt vạch tên và đại dịch SARS được khống chế trên toàn thế giới vào tháng 7/2003.
Hội chứng Hô hấp Trung Đông/Middle East Respiratory Syndrome Coronavirus (MERSCoV 2012)
Sau 9 năm kể từ khi SARS 2003 kết thúc, dịch MERSCoV đã xuất hiện tại Ả Rập và sau đó vài năm tái xuất một số nơi khác, tới tháng 2/2020 vẫn có trường hợp tại Doha tử vong vì MERSCoV. Thống kê của WHO đầu năm 2020 đã có 27 nước bị nhiễm MERSCoV, mà chủ yếu là một số nước của Trung Đông, Châu Phi và Hàn Quốc. Tổng số ca mắc và tử vong trong các năm qua tuy không nhiều nhưng nhưng tỉ lệ tử vong tới 34,4%, rất cao so với dịch SARS CoV và SARS CoV2 (Bảng 1). Không có gì thay đổi về đặc tính của chủng corona gây MERS, trừ MERSCoV năm 2018.
Gần đây đã có bằng chứng khoa học gợi ý rằng vật chủ gây bệnh cho người là từ những con lạc đà, nhưng không biết được chính xác cách thức nhiễm và đường truyền. Chủng corona này không dễ dàng truyền từ người–người trừ khi có sự tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân đã nhiễm, nhân viên y tế làm việc trong các phòng thí nghiệm hoặc chăm sóc chữa trị bệnh nhân đã gặp ở Ả Rập Saudi , các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Hàn Quốc.
Nhóm cảm nhiễm MERS lần đầu là ở độ tuổi từ 50-59. Nhóm 30–39, hầu hết là nhiễm trong hoặc sau khi điều trị một bệnh nhiễm trùng nào đó. Tỉ lệ tử vong cao gặp ở độ tuổi từ 50–59 nhiễm MERS lần đầu và ở nhóm 70–79 đang hoặc sau khi bị nhiễm trùng một bệnh khác.
Lạc đà được cho là nguồn lây nhiễm MERSCoV 2012 |
SARS CoV2 (tháng 12 /2019 đến hiện tại)
Sau khoảng 1 tháng từ khi Vũ Hán xuất hiện bệnh viêm phổi vào tháng 12/2019 WHO đã xác định là do nCoV và nay Ủy ban Quốc tế về Phân loại Virus (International Committee on Taxonomy of Viruses) đặt tên là SARS-CoV-2.
Virus Corona tại Vũ Hán là một chủng Betacoronavirus mới từ nhóm 2B với tính di truyền xấp xỉ 70% giống SARS-CoV. Virus này tới 95% tương tự với coronavirus của dơi, nên nghi ngờ có nguồn gốc từ dơi. Khi người đã bị nhiễm thì lan truyền rất nhanh từ người sang người, nhân viên y tế khám chữa bệnh cho bệnh nhân là nhóm người có nguy cơ nhiễm cao.
Số liệu sơ bộ từ những nghiên cứu hộ gia đình ở Trung Quốc gợi ra rằng trẻ em bị nhiễm COVID 19 từ người lớn và tỉ lệ mắc bệnh ở nhóm tuổi 0-19 thấp hơn so với nhóm lớn tuổi. Bên cạnh đó số liệu cập nhật gợi ý rằng 80% nhiễm trùng thể nhẹ và không triệu chứng, 15% bị nặng và 5% rất nặng cần hỗ trợ hô hấp; những người lớn tuổi và có những bệnh mạn tính là tăng nguy cơ nhiễm trùng nặng. Điểm qua tình hình tử vong ở Châu Âu (Ý là chủ yếu) và Mỹ thấy rằng tử vong do SARSCoV2 hầu hết ở người lớn tuổi và có bệnh nền (tiểu đường, huyết áp cao-tim mạnh, bệnh tự miễn,...), suy giảm miễn dịch.
Chưa ai dự báo được thực trạng đại dịch SARSCoV2 trong những ngày tới sẽ biến chuyển như thế nào. Tham khảo qua số liệu của WHO công bố ngày 23/03/2020 cho thấy:
- Toàn cầu so với 1 ngày trước là tăng rõ, nhưng tăng đột biến so với 10 ngày trước, chủ yếu ở châu Âu (Ý là chính), Trung Đông, Châu Mỹ. Tham khảo qua CDC (Trung tâm Kiếm soát Dịch bệnh) thì thấy Hợp chủng quốc Hoa Kỳ có tỉ lệ nhiễm và tử vong cao nhất trong châu Mỹ. Trái lại, số liệu của Trung Quốc, nơi ổ dịch bùng phát đầu tiên có xu thế đã được khống chế.
- Ba khu vực ảnh hưởng SARSCoV2 nặng nề nhất sau Trung Quốc là châu Âu, Trung Đông và châu Mỹ
- Tỉ lệ tử vong tại các khu vực này tăng rõ là tất yếu bởi vì phần lớn ca nhiễm là nhóm người lớn tuổi và đã có bệnh mạn kèm theo (tức hệ miễn dịch đã suy yếu cộng với các chức năng sống cũng đã lão hóa
- Mặc dù Việt Nam sau 10 ngày đã tăng số ca nhiễm gấp trên 4 lần nhưng may mắn là không có ổ dịch, không có người tử vong và số ca nhiễm cũng thuộc nhóm thấp nhất là rất mừng! Nhờ vào những yếu tố nào mà Việt Nam đã không lâm vào tình trạng xấu sẽ được phân tích trong các chủ đề dưới đây.
Những điểm tương đồng cuả 3 chủng coronavirus (SARS CoV, MERS CoV và SARS-CoV2)
- Gây bệnh cho người chủ yếu ở đường hô hấp gồm cảm thông thường và Hội chứng hô hấp cấp nguy kịch
- Dịch bệnh bùng phát vào mùa thu đông
- Tất cả mọi lứa tuổi đều cảm nhiễm, nhưng xuất hiện bệnh nặng và tử vong chủ yếu ở tuổi 50 trở lên, kèm theo các bệnh mạn (tiểu đường, huyết áp cao..)
- Các chủng coronavirus trước khi gây bệnh cho người từ động vật hoang dã: các loài chim, dơi, cầy hương, lạc đà
- Các chủng coronavirus đã xuất hiện nhiều đợt dịch bệnh từ năm 2002 tới nay vẫn chưa chế ra được vaccine phòng phòng các chúng CoV và cũng không có thuốc trị được những con virus này và còn nhiều điểu tiềm ẩn nguy cơ sinh bệnh mà vẫn chưa thể khám phá. Đặc điểm di truyền của SARS 2002 tới 70% là giống SARSCoV2 gợi ý rằng các chủng corana còn có xu hướng biến đổi.
Riêng SARSCoV2 (Covid19), tại thời điểm này (22/02/2020) Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) báo cáo đã có 180 nước ngoài Trung Quốc đang đối phó với đại dịch nay. Số liệu WHO thu thập của các nước vào ngày 21/03 cho thấy số trường hợp mắc cao rất nhiều lần so với 2 dịch trước, nhưng tỉ lệ tử vong là thấp so với SARS2002 và rất thấp so với MERSCoV 2012 ( 4,4% so với 9,6% và 4,4% so với 34,4%. Nhưng đại dịch này đang làm chao đảo thế giới khủng hoảng kinh tế toàn cầu chưa từng có!
Tóm lại, bất kể dịch bệnh hay một loại bệnh nào đó đều ảnh hưởng tới đời sống của con người cả thể chất, tinh thần và tài chính đồng thời suy thoái kinh tế quốc gia. Không chỉ coronavirus mà còn nhiều dịch bệnh khác từ các vi sinh (virus, vi trùng, ký sinh trùng và côn trùng và nấm mốc) cũng có nguy cơ bùng phát dịch mà loài người không thể dự đoán được. Tuy nhiên, nhân định phần nào thắng thiên. Chung tay bảo vệ môi trường sống, hạn chế tối đa xâm hại cảnh quang và động vật hoang dã, không làm ô nhiễm môi trường đồng thời lo cho bản thân và các thành viên của gia đinh bằng cách tạo bữa ăn đủ chất và an toàn nhưng ít tốn kém kết hợp có lối sống lành mạnh nhằm giúp cho cơ thể cân bằng chuyển hóa và nâng cao hệ miễn dịch,là những biện pháp hữu hiệu nhất, có thể đẩy lùi được bệnh tật.
Tại sao Việt Nam không có ổ dịch CoV19( corona virus 2019)
Để giải đáp câu hỏi này là những luận chứng khoa học tầm thế giới và quốc gia, mà gồm:
Phong thổ, chủng tộc và điều kiện kinh tế xã hội liên quan tới vi sinh gây bệnh
Ông tổ của Y khoa thế giới Hyppocrates, một thầy thuốc vì đại nhất thời Hy lạp Cổ đại, đã đặt tên một trong số các tiêu đề của những chuyên luận nổi tiếng của mình là dịch bệnh (epidemic), trong đó ghi nhận nhiều bệnh ho, tiêu chảy xảy ra và lan truyền suốt một thời kỳ nhất định tại một địa điểm nhất định như lập trình. Luận điểm này đã được thay đổi theo chiều hướng phát triển mở rộng trải qua các đại dịch trên thế giới, đến kỷ nguyên vi sinh ở thế kỷ 19 và thế kỷ 20, được các nhà Virus học, Vi khuẩn học và Dịch tễ học Y tiếp tục nghiên cứu sâu rộng hơn về các đặc tính của vi sinh, bao gồm những yếu tố về môi trường, địa lý phong thổ mà tới nay chưa có điểm dừng.
Từ cuối thế kỉ XVIII, bậc Y tổ của Đông Y Việt nam Hải thượng Lãn ông Lê Hữu Trác đã tuyên bố : “Nước ta tuyệt không có những danh hiệu Thương hàn, Ôn bệnh, Nhiệt bệnh (Đây là các bệnh có sốt, nhiễm trùng phát vào mùa đông, mùa xuân, mùa hạ) thuộc loại “ chính tông” như các sách Trung quốc đã chép” Bởi lẽ : Thủy thổ (điều kiện khí hậu môi trường ) của Việt nam và Trung quốc khác biệt: Phương Bắc gió nhiều, đất ráo, nhiệt độ thấp, người phương Bắc (Hán tộc) cường tráng, da thịt chặt chẽ, chống rét tốt, nhưng khi tà khí nhập vào thì cũng khó thoát ra( kiểu như đã thịt được cao nhân thì phải rất cao nhân). Còn xứ Lĩnh Nam ta (tính từ phía dưới Hồ Động đình- núi Ngũ lĩnh) thuộc Đông Nam gần mặt trời, giữa mùa đông vẫn có cây không rụng lá, nước không đóng băng, trời không xuống tuyết, mùa đông thường ấm (so với phương Bắc) hơi lao động một chút là toát mồ hôi. Thể trạng của người Nam phần nhiều cũng yếu, nhỏ. Tà khí dễ xâm nhập nhưng cũng không vào sâu như người phương Bắc, đồng thời cũng dễ phát tiết ra. Những chứng Thương hàn (Bệnh có sốt) ở đây phần đa là “ do hư mà cảm mạo” , thuộc loại nhẹ, hầu như không lưu lại để mùa xuân phát ra”.
Đọc Lời bàn của Y tổ trên đây hiểu rằng yếu tố phong thổ và cơ địa của người Nam và người Bắc (Hán) được Y tổ đã chỉ rõ thứ bệnh có sốt theo mùa (mà ngày nay biết rõ do virus) của xứ Bắc (Vùng người Hán sinh sống) và xứ Nam là khác nhau và bệnh của phương Bắc không thể có ở phương Nam (với điều kiện di chuyển-giao thương của 3 thế kỉ trước).
Mặt khác nhờ thiên nhiên ban tặng, Việt Nam có khí hậu nhiệt đới gió mùa của Bắc kì (Xứ Lĩnh Nam xưa) mà lại gần đường xích đạo nên có thêm tia tử ngoại, dải bờ biển chữ S vươn ra Thái Bình dương lộng gió chắc chắn là những yếu tố cản trở nhiều vi sinh phát triển mà trong đó coronavirus là không ngoại lệ. Hơn nữa Việt Nam mặc dù đã phát triển hạ tầng khác xưa nhưng chợ xép có khắp mọi nơi (chưa nhiều siêu thị), chưa có xe điện ngầm, nhiều gia vị trừ hàn tà (thực ra là tăng cường miễn dịch (sức đề kháng), giảm virus: tỏi, gừng, hành, hẹ, ớt, tiêu… và các bài lá xông ra mồ hôi để giải độc…). Thêm vào đó, nhiều người Việt Nam cũng có điều kiện gần gũi môi trường thiên nhiên của xứ nhiệt đới sinh trưởng nhiều vi sinh khác nhau nên phần nào giúp hệ miễn dịch tạo ra một số kháng thể đặc hiệu, truyền cho nhiều đời sau.
Nghiên cứu về thời tiết và nhiệt độ đối với các chủng coronavirus
Các nhà virus học phân tích rằng virus cúm mùa sinh cảm lạnh lan truyền rộng rãi khi thời tiết ấm, không khí khô. Các chủng coronavirus cũng sinh bệnh cảm lạnh như virus cúm, nhưng chưa biết chắc thời tiết nào thuận lợi cho coronavirus. Một nghiên cứu về quãng thời gian corona tồn tại trên các bề mặt, là trong 5 ngày ở nhiệt độ 22–25°C và độ ẩm 40–50%. Tuy nhiên, khả năng tồn tại của coronavirus là ngắn (>3 log10) ở nhiệt độ và độ ẩm tương đối cao hơn (38°C và >95%). Sự ổn định tốt hơn của SARS coronavirus là ở môi trường nhiệt độ thấp và độ ẩm thấp, có thể tạo thuận lợi khả năng lây truyền trong cộng đồng ở khu vực cận nhiệt đới (như Hồng Kông) trong mùa xuân và trong môi trường máy lạnh. Điều này có thể lý giải tại sao một số quốc gia châu Á ở khu vực nhiệt đới (như Malaysia, Indonesia hoặc Thái Lan) có nhiệt độ cao và môi trường độ ẩm tương đối cao là không có dịch SARS lan rộng.
Những kết luận của nghiên cứu trên đây gợi ra rằng phong thổ Việt Nam khá giống với các nước mà nghiên cứu đã nêu. Vậy nên cũng là cơ sở để tin rằng Việt Nam không phải là môi trường thuận lợi cho các chủng corona sinh trưởng, bằng chứng là Việt Nam không có ổ dịch.
Tóm lại, gốc dịch bệnh từ hai vị Tổ y thể giới và Việt Nam được trích dẫn trên đây kết hợp với Vi sinh học với Vi sinh Y khoa và Dịch tễ học nhiễm trùng hiện đại cho thấy khoảng cách địa lý không gây ổ dịch bùng phát, mà tùy thuộc vào các yếu tố phong thổ và có thể kèm theo chủng tộc và bối cảnh văn hóa xã hội từng thời kỳ sẽ sinh trưởng các loại vi sinh có lợi cho sức khỏe hoặc là có hại (gây bệnh cho động vật và người). Một thực tế hiện hữu là Việt Nam gần gũi Trung Quốc nhiều thứ chẳng khác nào không biên giới, nhưng không có ổ dịch CoV19 xuất hiện, có lẽ là nhờ khác thủy thổ vì khác vĩ tuyến, xa mặt trời, địa hình khác, độ ẩm khác và nguồn gốc người cũng khác: Chủng Bách Việt khác với chủng Hán Hoa Hạ, nên bất chấp địa lý và các yếu tố còn lại. Vậy chúng ta có thể lạc quan rằng Sông núi nước Nam không phải là cái nôi, cũng không phải là chốn khai cơ mở nghiệp của Covid 19 phương Bắc. Nếu Việt Nam không có người của mình mang CoV19 từ những nước khâc mang về chắc hẳn sẽ “đội sổ” về nhiễm Covid19 trong bảng thống kê của WHO do các quốc gia báo cáo cập nhật hàng ngày. Đội số trong trường hợp này là Việt Nam KHÔNG CÓ Ổ DỊCH BÙNG PHÁT, KHÔNG CÓ NGƯỜI TỬ VONG VÀ SỐ NGƯỜI MẮC CŨNG ÍT, là đáng vui mừng!
Tuy nhiên, vui nên để trong lòng mà hãy cảnh giác cao với CoV19 bằng cách thực hành các biện pháp phòng bệnh mà Bộ Y tế đã khuyến cáo một cách nghiêm túc ! Bởi vì chủng virus này gây bệnh hô hấp và chứa trong các dịch tiết khi con người ho rồi khạc nhổ, hắt hơi, thở ra mạnh sẽ bám vào vật dụng cá nhân và trên các bề mặt mà con người hay chạm tới. Vì thế tính chất lây lan rất rộng, càng đông người tụ tập tại một nơi, càng tăng số ca bị lây nhiễm. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều yếu tố nguy cơ dễ làm cho nhiều người bị nhiễm. Ngoài một đặc điểm chung với các nước trên toàn cầu là ở thời đại phẳng, Việt Nam có những yếu tố thuận lợi cho sự lây truyền CoV19 gồm:
1) Địa lý khoảng cách và các mối quan hệ sinh sống nhờ vào giữa nhiều người của Việt nam và Trung Quốc.
2) Tình trạng hồi hương của người Việt từ nhiều nước mà chắc hẳn có một số người đã nhiễm CoV19 không triệu chứng.
3) Các thói quen và sở thích của một bộ phận người Việt như nói hô hố, khạc nhổ bừa bãi; thích ở phòng lạnh đóng kín cửa, hội họp, cầu nguyện, siêu thị, nhà hàng, làm đẹp/mát xa,...cũng là điều kiện lan truyền bệnh từ một người sang nhiều người cùng lúc.
Tinh thần chống đại dịch Covid19 của nhân dân Việt Nam
Không nên tự khen mình, nhưng nên nhìn nhận khách quan rằng từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài cả nhà nước và nhân dân Việt Nam có tinh thần phòng chống CoV19 là bất diệt. Bằng chứng là chính quyền các cấp và hệ thống y tế từ trên xuống, không một phút lơi là về công tác phòng chống dịch bệnh và cũng truyền thông cặn kẽ cho nhân dân biết cách phòng tránh mà biểu hiện sự đồng thuận toàn dân bằng thể hiện những thực hành phòng bệnh cho cá nhân, gia đình, nơi công sở, công cộng khắp mọi nơi.
Bên cạnh đó, việc đối xử với người bị cách ly tại những cơ sở tập trung do lực lượng quân đội đảm trách và khám chữa cũng như chăm sóc bệnh nhân nhiễm Cov19 tại các bệnh viện Nhiệt đới và khoa Truyền nhiễm của những bệnh viện khác là rất tốt, rất nhân văn. Tôi tin rằng nếu có một đơn vị trung lập đánh giá so sánh giữa các nước với nhau về phong trào này, Việt Nam chúng ta sẽ thuộc nhóm xuất sắc!
Nhân viên y tế đang chăm sóc bệnh nhân bị nhiễm CoV19 (Ảnh: tuoitre) |
Chưa hết, nhớ lại SARSCoV2003, nếu không có khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Bạch Mai cạnh bệnh viện Việt Pháp, thì có lẽ sự mất mát đau thương đã không dừng lại ở con số 5 bác sĩ và điều dưỡng và đã nhanh chóng khống chế được đại dịch ấy. Thành quả này đã đánh thức được cộng đồng thế giới về tầm cỡ năng lực của y tế Việt Nam. Phân tích những yếu tố dẫn tới sự thành công này gồm:
1) Môi trường của Bệnh viện Bạch Mai, cụ thể là Khoa Nhiệt đới lâm sàng thời ấy do người Pháp đã xây dựng, đúng chuẩn là nơi dành cho bệnh nhân nhiễm trùng nhờ vậy đã khống chế được tình trạng lây lan rộng và cũng không có môi trường thuận lợi cho virus hoặc vi khuẩn sinh trưởng (05 nhân viên y tế đã qua đời là do khám chữa bệnh nhân tại bệnh viện Việt Pháp - một cơ sở rất hẹp lại kín mít bởi nhà kính và hệ thống điều hòa không khí).
2) Có một đội ngũ nhân viên y tế rất là uyên bác và dào dạt tình người. Góp công trong thành tích SARS của Việt Nam được tiếng vang trên trường quốc tế là Bác sĩ Carlo Urbani. Đất lành chim đậu, vì yêu thiên nhiên và con người Việt Nam đồng thời là vùng đất hứa để nghiên cứu ký sinh trùng nên đồng nghiệp này đã làm việc lâu dài ở Hà Nội cho WHO, là người đã khơi ngòi mầm mống của SARSCoV và hiến dâng một lá phổi của mình cho khoa học về dịch bệnh SARS.
TS. BS TRẦN THỊ HOA (HỘI VIÊN HỘI NỮ TRÍ THỨC VIỆT NAM)
*Tài liệu tham khảo
1. Lời bàn của Y tổ do Bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh trích từ Tập 2- Hải thượng Y tông tâm lĩnh trang 167-168. XNB Y học 1998.
2. CDC: Coronavirus Disease 2019 (COVID-19)
3. WHO:https://www.who.int/.../20200323-sitrep-63-covid-19.pdf...
4. WHO: SARS (Severe Acute Respiratory Syndrome) https://www.who.int/ith/diseases/sars/en/
5. The Effects of Temperature and Relative Humidity on the Viability of the SARS Coronavirus
6. Research Article | Open AccessVolume 2011 |Article ID 734690 | 7 pages | https://doi.org/10.1155/2011/734690
7. Will warming spring temperatures slow the coronavirus outbreak? BY SARAH GIBBENS
8. PUBLISHED MARCH 6, 2020
9. Cavanagh, D (2007). "Coronavirus avian infectious bronchitis virus". Veterinary Research. 38 (2): 281–97. doi:10.1051/vetres:2006055. PMID 17296157.
10. Smith RD (December 2006). "Responding to global infectious disease outbreaks: lessons from SARS on the role of risk perception, communication and management". Social Science & Medicine. 63 (12): 3113–23. doi:10.1016/j.socscimed.2006.08.004. PMID 16978751.
11. Pandemic Epidemic Diseases news: Infectious disease outbreaks reported in the Eastern Mediterranean region in 2018 Archived 29 January 2020 at the Wayback MachineBetween 12 January through 31 May 2018, the National IHR Focal Point of The Kingdom of Saudi Arabia reported 75 laboratory confirmed cases of Middle East respiratory syndrome coronavirus (MERS_CoV), including twenty-three (23) deaths. Date www.emro.who.int, accessed 29 January 2020
12. Jump up to:a b c "Coronavirus COVID-19 Global Cases by Johns Hopkins CSSE". ArcGIS. Johns Hopkins CSSE. Retrieved 19 March 2020.
Bài viết được đăng trên Tờ báo Phụ nữ Mới- Tiếng nói của Nữ Trí thức Việt Nam nhằm góp phần hiểu rõ bản chất của corona và đỡ hoang mang
Bài này trước khi đăng đã được GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu, Chủ tịch Hội Nữ Trí Thức Việt Nam kiểm duyệt
http://phunumoi.net.vn/tai-sao-viet-nam-khong-co-o-dich-cov…